Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
Bài mẫu Vietchuyennghiep.vn Content chính luận

Cuộc hôn nhân kỳ lạ đã sản sinh ra đại gia đình “Vươn ra biển lớn”

Vietchuyennghiep.vn – Khi bắt tay vào một dự án khởi nghiệp, câu hỏi mà tất cả nhà sáng lập đặt ra luôn là: Làm sao để thành công? Lúc mới bắt đầu sự nghiệp bên những chai đồ uống sản xuất thủ công, ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ cũng đã tự hỏi như vậy.

Và đến giờ, sau 25 năm thành lập, Tân Hiệp Phát đã trở thành doanh nghiệp trị giá hàng tỉ USD, hiện diện tại gần 20 quốc gia trên thế giới, thì  hai nhà sáng lập Thanh – Nụ đã có câu trả lời để chia sẻ cho tất cả. Câu trả lời đó, kỳ lạ thay, lại vô cùng đơn giản, vì nó có thể gói gọn trong 4 chữ: “Hạnh phúc kiểu Dr.Thanh”.

Người Việt Nam có câu “Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Tôi chưa tìm thấy dẫn chứng nào ưng ý nhất để minh họa cho câu nói này, cho tới khi biết về mối tình đẹp giữa ông Trần Quí Thanh và bà Phạm Thị Nụ.

Cái sự biết ấy, đến rất tự nhiên và tình cờ. Thú vị hơn nữa, khi mối tình đó lại chính là chìa khóa để mở cánh cửa thành công của Tân Hiệp Phát…

Cái nắm tay vững chắc, đỡ đôi bàn tay run rẩy

Tôi biết những câu chuyện về ông Trần Quí Thanh, về những gì xảy ra phía sau Tân Hiệp Phát… từ cuốn sách “Chuyện nhà Dr.Thanh” của tác giả Trần Uyên Phương – con gái Dr.Thanh. Đó là những câu chuyện rất thú vị, được viết với lối diễn đạt giản dị, chân thành và mộc mạc từ một người con gái nhạy cảm trong gia đình.

Ấn tượng đọng lại, dù tôi chưa từng gặp bà Phạm Thị Nụ, cho tới buổi công chiếu vở kịch cùng tên với cuốn sách nói trên, vào ngày 23-9-2018 tại TP.HCM.

Trước buổi diễn, như thường lệ, ông Trần Quí Thanh có mặt sớm và đã vui vẻ bắt tay từng người. Đó là cái bắt tay rất chặt, khiến người đối diện cảm nhận được sự thô ráp, sần sùi của bàn tay một người từng luyện võ, từng cầm cờ-lê, mỏ lết vặn sửa các chi tiết máy.

Rồi cửa thang máy mở, bà Nụ bước ra, vẫn nụ cười nhẹ nhàng, hơi nhệch sang phải, vẫn đôi mắt tự tin nhìn thẳng vào người đối diện.

Nhưng bà lộ rõ tình trạng sức khỏe yếu khi luôn cần người ở cạnh để dìu. Bà bước đi mà tay và chân đều lẩy bẩy. Rất nhanh sau đó, ông Thanh tạm gác cuộc nói chuyện bên lề, bước tới đỡ bà bằng đôi bàn tay thô ráp, sần sùi và rắn chắc của mình.

Kể từ đó, ông Thanh không rời bà Nụ, luôn đỡ và dẫn bà đi bên mình, cho tới khi vào trong hội trường.

Vở kịch diễn ra, do chính các nhân viên của Tân Hiệp Phát thủ vai, còn kịch bản được chuyển thể từ cuốn “Chuyện nhà Dr.Thanh”. Ở dưới, có những giọt nước mắt đã rơi, từ bà Nụ, từ chính các nhân viên Tân Hiệp Phát, từ khách mời…

Họ khóc vì thấy một phần bản thân trong đó, vì hiểu được những đắng cay, vất vả mà hai “người thân” của họ – hai nhà đồng sáng lập Tân Hiệp Phát – đã trải qua.

Còn tôi hiểu rằng, trước khi để đôi tay, đôi chân trở nên run rẩy, người phụ nữ từng là hoa khôi ấy đã không quản vất vả để chăm lo gia đình, để đạp chiếc xe xích lô nặng trĩu đi bỏ mối hàng cho chồng.

Trong khi đó, người đàn ông vững chãi đó lại từng dành hết tình yêu vào công việc, dành 24h mỗi ngày vào xưởng sản xuất đồ uống, và yêu gia đình theo “cách riêng của ông ấy”, trong sự cảm thông và bao dung của người vợ.

Tất cả điều đó – thứ hạnh phúc kiểu Dr.Thanh – đã biến Tân Hiệp Phát từ một xưởng bia nhỏ với những cỗ máy cơ khí hỏng hóc mua lại sau đó trở thành một tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam, với loạt dây chuyền hiện đại nhất thế giới. 

Chiếc chìa khóa giản đơn mở ra thành công

Tôi có nhiều bạn bè đang tham gia làm start-up, chủ yếu trong lĩnh vực công nghệ. Và tâm sự của họ đôi khi rất khó tin: Họ ước có thể làm start-up khi bản thân không phải vướng bận… gia đình.

Tại sao vậy? Trước đôi mắt ngỡ ngàng của tôi, họ chỉ thở dài: Quá mệt mỏi!

Công việc cuốn họ đi, nhưng khi đang ở giai đoạn nước sôi lửa bỏng, họ lại phải đối mặt với những câu chất vấn vốn rất khó trả lời, từ chính người đầu gối tay ấp. “Bao giờ anh về?”. “Anh định ly thân hay sao?”. “Anh kiếm tiền để làm gì?”. “Vợ con anh còn quan trọng nữa hay không?”. “Một ngày anh chơi với con được mấy tiếng?”. “Anh cho con ăn được mấy bữa?”. “Anh là kẻ vô trách nhiệm với cái gia đình này”… Họ dốc bầu tâm sự, kèm theo thán từ đau đớn lắm, và kết lại là một cốc rượu đổ thẳng vào thực quản.

Khi nghe vậy, tôi không biết an ủi họ như thế nào, vì nhu cầu được quan tâm, chia sẻ trong gia đình là có thật. Nhưng có chăng, cách thể hiện nhu cầu đó của mỗi người vợ, lại rất khác nhau?

Mỗi lúc như vậy, tôi lại nghĩ tới “Chuyện nhà Dr.Thanh”. Bởi nói về mức độ đam mê công việc, có lẽ ông Trần Quí Thanh luôn ở nhóm đầu. Đến giờ, nhân viên của ông vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện ông Thanh họp với các giám đốc bộ phận về chiến lược ra mắt sản phẩm mới.

Cuộc họp kéo dài tới tối, rồi đến đêm, mà vẫn chưa tìm được câu trả lời cuối cùng. Ông bảo mọi người kiếm chỗ nằm, rồi chính ông cũng ngủ ngay tại phòng họp để sáng hôm sau… họp tiếp, cho tới khi ra phương án tối ưu mới thôi.

Rồi khi xoay xở với quy mô mở rộng của công ty, ông cũng từng gắt với vợ con: “Không làm tử tế, thì không chỉ gia đình mình, các công nhân trông vào mình chết đói hết!”.

Với suy nghĩ như vậy, và với quan điểm tự thân phát triển một cách khốc liệt “hôm nay phải hơn ngày hôm qua, nhưng không bằng ngày mai”, ông Trần Quí Thanh đã dành hết quãng thời gian sung sức nhất của tuổi trẻ cho việc chèo lái con thuyền Tân Hiệp Phát.

Ông để vợ quán xuyến toàn bộ công việc gia đình và tự tìm cách trả lời những câu hỏi đầy hóc búa mà các con đặt ra về người cha chỉ biết tới công việc, về những bữa cơm thường chỉ có mẹ và các con.

Cho tới giờ, khi nhìn lại những gì đã trải qua, tôi đều thấy trong ánh mắt của những người sáng lập và kế thừa Tân Hiệp Phát lấp lánh hai chữ “mãn nguyện”. Vì sau cùng, sóng gió đã không làm họ chùn bước, gia đình nhỏ ấy đã nhân lên tình yêu thương thành một đại gia đình Tân Hiệp Phát của ngày hôm nay.

Nếu trong những ngày đầu khó khăn ấy, bà Nụ chất vấn ông Thanh bằng những câu hỏi về trách nhiệm gia đình, chưa chắc chúng ta đã thấy Tân Hiệp Phát thành công như ngày hôm nay.

Vậy tại sao bà Nụ lại vượt qua được giai đoạn khủng khiếp ấy, giai đoạn mà chính người con gái lớn của bà đã đề nghị mẹ ly dị với ba để được sống hạnh phúc hơn? “Vì má tin là ba vẫn yêu má, yêu gia đình này, theo cách riêng của ba con” – bà Phạm Thị Nụ đã trả lời kiên định như vậy.

Chỉ còn gần một tháng nữa là tới kỷ niệm 40 năm ngày cưới của vợ chồng nhà sáng lập Tân Hiệp Phát (9-7).

Với nhiều người, kỷ niệm ngày cưới sẽ là dịp để tổ chức một buổi lễ đặc biệt, đánh dấu chặng đường đầy ý nghĩa. Trong suy nghĩ của tôi, có lẽ ông Thanh và bà Nụ không cần làm gì nhiều, bởi mỗi ngày trôi qua, họ vẫn nắm chặt bàn tay của nhau để viết tiếp câu chuyện cổ tích mang tên Tân Hiệp Phát. Sự gắn kết và yêu thương đó đã tạo nên “Hạnh phúc kiểu Dr.Thanh”, và đủ để truyền cảm hứng cho rất nhiều người.

Bởi có hôn nhân nào lại sản sinh ra được cả một đại gia đình yêu thương nhau và nỗ lực không ngừng để “Vươn ra biển lớn” như vậy?

Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn

==> Quay về Mục lục! <==

Similar Posts