Thứ Ba, Tháng Chín 10, 2024
Bài mẫu Vietchuyennghiep.vn Dạng Văn viết

Hướng dẫn cách tư duy, triển khai bộ câu hỏi cho bài phỏng vấn – Giảng viên Trung Hiếu (Vietchuyennghiep.vn ACADEMY)

I. Tình huống:

Doanh nghiệp X sản xuất cà phê “thật”, với cafein tự nhiên. Chủ doanh nghiệp này muốn làm thực chất, tạo ra và phân phối thứ cà phê đúng chất, chứ không pha ngũ cốc (kiểu đậu nành rang cháy) vào sản phẩm.

Tuy nhiên, vấn đề là nhiều người tiêu dùng trên thị trường đã bị hiểu lầm từ xưa, rằng cà phê “xịn” là… phải đặc.
Trong khi đó, cà phê “thật” mà không pha chất độn thì lại… loãng.

Do vậy, X rất muốn triển khai chiến dịch “giáo dục” thị trường, để thay đổi nhận thức về cà phê (đặc không có nghĩa là “xịn”), đồng thời, quảng bá cho sản phẩm của họ.

II. Đề bài:

Người làm nội dung (CW: Content Writer) cần triển khai một bài phỏng vấn, trong đó, nhân vật trả lời ở vị trí chuyên gia là chủ của hãng cà phê X.

CW cần lên đề cương bộ câu hỏi sao cho tạo cảm giác khách quan, song có thể tạo điều kiện tối đa cho chủ doanh nghiệp chia sẻ về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị… của thương hiệu, chiến lược sản phẩm.

Nơi đăng: Báo chí; Website; Blog…

III. Bộ câu hỏi phỏng vấn để tham khảo:

1. Cà phê là thức uống phổ biến tại Việt Nam. Liệu có thể nói, thực khách Việt có gu sành cà phê hay không, thưa ông?

2. Theo ông, điều gì là sai lầm lớn nhất của thực khách Việt khi thưởng thức cà phê? Nói cách khác, tiêu chí “cà phê ngon” của người Việt có điều gì sai lầm nhất?

3. Ông có nghĩ rằng, khi một sự sai lầm tồn tại quá lâu, trở thành “thứ nhận thức trong đầu” người tiêu dùng rồi, thì các hãng cà phê chỉ nên phục vụ “nhận thức sai lầm” đó, thay vì mang tới sự thật về vị ngon cà phê như điều ông đang làm?

4. Nếu đến một ngày nào đó, người tiêu dùng Việt thay đổi và thực sự biết cách đánh giá đúng vị ngon của cà phê, thì họ sẽ được lợi điều gì?

5. Ông có bao giờ sợ rằng, tất cả điều tốt đẹp mà ông hướng tới không thể hiện thực hóa được?

IV. Phân tích:

Bộ câu hỏi tạo ra cảm nhận khách quan, nhưng lại có tính khơi gợi rất lớn. Cụ thể:

1. Câu thứ nhất để gợi mở chủ doanh nghiệp X (chuyên gia) nói về những quan điểm sai lầm phổ biến của người Việt khi uống cà phê.

2. Câu thứ hai để chuyên gia xoáy sâu vào thứ sai lầm “nghiêm trọng” nhất – chính là quan điểm “cà phê xịn là phải đặc”. Khi phân tích điều này, chủ doanh nghiệp có cơ hội để “giáo dục” thị trường, cũng như mở đầu cho việc nhấn mạnh vào ưu điểm của cà phê X (xịn, loãng).

3. Đây là câu hỏi tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp nói về sứ mệnh của công ty, của thương hiệu (“Tôi hiểu rằng, nếu thỏa hiệp với thứ nhận thức sai lầm, chúng tôi có thể kiếm tiền rất nhanh. Nhưng tôi và cộng sự không thể chấp nhận điều đó…”).

4. Câu hỏi thứ tư giúp chủ doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ nhiều về giá trị (lợi ích) của sản phẩm cà phê “xịn, loãng” (X).

5. Câu thứ năm là câu hỏi tạo điều kiện cho chủ doanh nghiệp tái khẳng định sứ mệnh, tầm nhìn, cũng như đụng chạm vào cảm xúc đại chúng.

(“Nếu nói rằng sợ thì chúng tôi không sợ. Vì nếu sợ, thì chúng tôi đã không làm. Chúng tôi rất tin tưởng và kiên định vào con đường mang đến cà phê thật, thực chất cho người tiêu dùng Việt. Còn trong trường hợp mục tiêu đó không thể hiện thực hóa, thì tôi không sợ hay trách ai, mà chỉ tự trách bản thân mình là đã làm chưa đủ tốt để mọi người trong xã hội này hiểu về giá trị, chất lượng của loại cà phê thật…”).

Giảng viên Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

==> Quay về Mục lục! <==

Similar Posts