Tết đến Xuân về vốn dĩ phải tưng bừng phấn khởi mà sao người con gái đã đi qua gần 30 mùa bánh chưng này chỉ muốn buông một lời than ngắn hai tiếng thở dài?
Thời gian thì trôi nhanh như “cậu Vàng” chạy ngoài đồng, còn bao mục tiêu của mình cứ bảo toàn từ năm này sang năm khác, ví thì vẫn thiếu tiền, năng lực thì thiếu sót.
May sao, đương lúc buồn ảm đạm, cô em đã dúi ngay một quyển sách: “Khai nhãn đầu năm đi chị ơi! Bí kíp biến “người rầu” thành “người giàu” đấy ạ!”. Thấy tò mò, mình cũng thử đọc.
Thật kỳ lạ! Giữa thế kỷ 21 này, có những người lại chọn cách vào rừng kiếm củi, nhóm lửa, nấu nướng, thay vì dùng ga, rồi thích tự tay nghiền lúa mì bằng cối đá nặng trịch, thay vì dễ dàng mua một gói bột mì tại các cửa hàng tạp hóa…
Ngạc nhiên hơn, những nhân vật trong cuốn sách là không phải là nhân vật giả tưởng mà lại là câu chuyện có thật về các nghệ nhân tài hoa của Nhật Bản, những người đã từng ngao du thế giới từ châu Á, đến châu Âu. Vậy nhưng, họ quyết phớt lờ những phát minh vĩ đại của nhân loại, để sống cuộc sống bình dị nơi núi rừng, và gọi đó cách tìm kiếm sự giàu có, đủ đầy.
Như Nakamura – nghệ nhân làm tranh khắc gỗ – tâm niệm: “Tôi giàu có, theo một cách riêng”. Ông đang tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của mình, trong căn nhà gỗ nhỏ, giữa cánh rừng tuyết tùng xanh tươi, hàng ngày say mê chạm mộc bản, đêm nằm nghe dòng sông róc rách chảy…
“Kiếm củi”, “nghiền bột” không phải công việc lao động nặng nhọc, ông coi đó là một sở thích. Ông không có nhiều thu nhập bởi ông tin rằng cuộc sống ít chi phối bởi vật chất sẽ nuôi dưỡng trái tim phóng khoáng, rộng mở, để sáng tạo nghệ thuật.
Mới đọc hết một chương nhưng mình đã hiểu ra vài điều. Phải chăng con người chúng ta không cần thiết phải chạy theo vật chất hào nhoáng để đạt được sự đủ đầy?
Mình đang nhâm nhi một tách café tại quán quen cùng một quyển sách tâm đắc.
Mình sẽ sớm thôi, được sum họp với gia đình ngày Tết.
Mỗi ngày trôi qua mình vẫn học được những điều hay…
Phải chăng mình cũng đã thật đủ đầy?
Cre: Hải Yến
(Giới thiệu cuốn sách để bán)