Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024
Storytelling theo chuyên đề Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC)

Sự nguy hiểm của những hòn đá bị ném giấu tay…

(Quan điểm của một giảng viên HPC về những hội nhóm “anti HPC” trên Facebook, TikTok)

Còn nhớ, hồi nhỏ, có một lần tôi nghe người quen nói về sản phẩm đồ điện của thương hiệu X là… “hãng này dùng tệ lắm!”.

Khi ấy, X là thương hiệu khá phổ biến trên thị trường đồ điện. Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe thông tin đó, nhưng vì bản thân còn nhỏ, lại nghe người quen bày tỏ quan điểm, nên một cách vô tình, tôi đã tin theo.

Cứ vậy, lớn dần lên, suy nghĩ trong tôi về thương hiệu đồ điện X vẫn là… “hãng này dùng tệ lắm!”.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi tôi nhận thức cuộc sống rõ ràng hơn, có kiến thức, sự trải nghiệm và kinh nghiệm. Khi đó, tôi bắt đầu dùng đồ điện của hãng X một cách tình cờ, và… lạ lùng thay, tất thảy món đồ đó đều tốt, có giá hợp lý.

Vậy là, hãng X đó đã chuyển từ trạng thái sản phẩm “tệ” sang “tốt”, hay nhận định khi xưa của người quen tôi là nhầm lẫn? Tôi đã quyết định mang điều này hỏi lại, và bất ngờ thay, người quen của tôi nói rằng, “khi xưa, bảo đồ hãng X dùng tệ là vì… nghe một, hai người nói thế. Chứ sau đó, trực tiếp dùng đồ của hãng X thì thấy… tốt thật, ổn thật!”.

Kỳ lạ chưa?

Câu chuyện đó khiến tôi suy nghĩ mãi! Hóa ra chỉ vì nghe một vài người nào đó nói, mà người quen của tôi đã lan tỏa quan điểm tiêu cực cho tôi, khiến tôi (và có lẽ một số người khác) hiểu nhầm về thương hiệu X!

*****

Cho tới khi mạng xã hội Facebook xuất hiện, với độ lan tỏa rộng lớn hơn, nhiều tài khoản nặc danh và ẩn danh hơn, thì cái sự bùng nổ thông tin không kiểm chứng, thông tin xấu độc, áp đặt quan điểm tiêu cực hoặc tấn công cá nhân, tổ chức… càng trở nên phổ biến hơn.

Không ai biết tài khoản Facebook ấy là của ai, có động cơ gì, nhưng người ta lại cứ “hóng” những thông tin xúc phạm, thóa mạ một cách thiếu văn hóa từ tài khoản ấy, rồi bàn tán.

Người ta dựa vào câu nói ngày xưa, từ thời các cụ, “không có lửa thì làm sao có khói”, để tự bảo nhau tin vào những thông tin đó (?!).

Vậy thì… có thỏa đáng không?

Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG, vì những thông tin, những quan điểm chỉ đáng tham khảo khi được xuất phát từ nguồn chính danh, có sự tôn trọng tối thiểu đối với người khác, có bằng chứng thuyết phục, và đương nhiên, phải… có văn hóa!

Bằng không, người ta cứ lên mạng xã hội Facebook, TikTok mà làm “Chí Phèo mạng”, thì thế giới thông tin bị bóp méo đến cỡ nào?

Không phải tự nhiên mà pháp luật sinh ra Luật An ninh mạng, để bảo vệ danh dự và uy tín của cá nhân, tổ chức, trước những đối tượng “Chí Phèo mạng”.

Tôi cảm thấy bản thân cần viết ra vài dòng như vậy, khi thời gian tuyển sinh gần đây xuất hiện một số thông tin thiếu văn hóa, tấn công uy tín Nhà trường, từ hội nhóm tự nhận là “anti HPC”.

Họ cố gắng mô tả môi trường dạy và học tại HPC thật méo mó, lệch lạc.

Nhưng… khi thực sự đứng tại ngôi trường HPC, đi chung thang máy, bước chân vào giảng đường, chứng kiến những cái cúi đầu, rồi lời “chào thầy”, “chào cô” từ các sinh viên, tôi không thấy bất kỳ thứ gì như sự mô tả lệch lạc của hội nhóm “anti HPC”.

Tôi vẫn thấy nụ cười tươi rói của các bạn sinh viên nữ khoa tiếng Hàn, vẫn thấy khoảnh khắc selfie tự nhiên và tươi tắn của nhóm nữ sinh khoa Chăm sóc Sắc đẹp, vẫn thấy hàm răng trắng và lúm đồng tiền duyên của nam sinh khoa Công nghệ Thông tin… khi gặp thầy, gặp cô.

Những tài khoản Facebook ẩn danh, mạo danh làm sao có quyền nhân danh những sinh viên dễ thương, dễ mến đó để buông ra những lời lẽ thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng?

*****

Những ngày gần đây, người ta lại lên tiếng cảnh báo về “trò đùa” nguy hiểm: Ném đá vào xe ô tô chạy trên cao tốc.

Cụ thể, một nhóm đối tượng ở độ tuổi thiếu niên đã bị phát hiện hành vi ném đá trên cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (tỉnh Ninh Thuận).

Tại sao các em ý lại làm như vậy?

Đơn giản, các em cảm thấy… “vui thôi”! Chẳng quan tâm hậu quả thế nào, chẳng cần biết người đi đường bị hư hỏng tài sản, thương vong tính mạng ra làm sao! Cứ vui cái đã!

Rõ ràng, không một người trưởng thành và có đủ nhận thức xã hội nào cảm thấy “vui” trong sự việc ấy. Chúng ta thấy phẫn nộ, thấy “khó hiểu”, trước “trò vui” vô ý thức gây hại người, hại của.

Và… trên không gian mạng xã hội cũng y như vậy!

Mỗi ngày, vẫn luôn có không ít “hòn đá” bị ném giấu tay, tấn công uy tín và thương hiệu của các cá nhân và tổ chức.

Cho đến khi trưởng thành hơn, đủ hiểu biết hơn, những bạn trẻ “ném đá” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng ấy có thấy hối tiếc, vì những vết thương và nỗi đau mà họ đã gây ra?

Cre: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

>> Về trang Mục lục – Storytelling theo chuyên đề & thương hiệu <<

Similar Posts