Thứ sáu, Tháng mười một 8, 2024
Storytelling theo chuyên đề Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC)

Điều tử tế của sinh viên HPC: Thấy, là mê!

Sáng thứ Bảy (1/6/2024), tại Khoa Điện của Trường Cao đẳng Công nghệ Bách Khoa Hà Nội (HPC), trận chung kết của “Giải Bóng đá trong nhà HPC Robot Fusal 2024” đã diễn ra, giữa 2 đội Police và Robot 01.

Có mặt tại trận chung kết đó, tôi tự thấy bản thân may mắn, vì đã được chứng kiến quá nhiều cảm xúc ấn tượng, quá nhiều thứ “trăm nghe không bằng một thấy”!

Ấn tượng đầu tiên là về thứ cảm xúc rất thật, rất nhiệt, từ cả thầy và trò Khoa Điện. Thầy Nguyễn Xuân Nguyên – Trưởng khoa – cười tự nhiên, thể hiện niềm vui sướng cũng rất “tự nhiên”, đặc biệt là sau mỗi đường bóng đẹp. Hẳn đó là niềm vui của một người thầy khi được chứng kiến sinh viên của mình… “chất” quá!

Rồi thầy Đinh Quang Hiệp – “Người dẫn chương trình” của trận đấu – khiến mọi người có những khoảnh khắc… quên mất rằng, đây là trận đấu của robot. Vừa xem, vừa nghe bình luận, cứ tưởng như đang ở trên sân bóng thực sự.

Và trên hết, thứ cảm xúc rất thật, rất nhiệt đến từ ánh mắt, nụ cười, nét căng thẳng của “cầu thủ” (sinh viên điều khiển robot) cho tới khán giả ủng hộ…

Song, nếu chỉ vậy, tôi vẫn chưa thấy “đã”. Bởi có lẽ, bất kỳ sự kiện nào mà cả thầy và trò cùng hào hứng tham gia thì sẽ đều mang tới không khí náo nhiệt như vậy.

Điều khiến tôi cảm thấy “đã” nhất, lại nằm ở những giây cuối của trận đấu.
Gần hết giờ, đội Police dẫn trước đối thủ với tỉ số 4-0.

Tất cả là nhờ chiến thuật ưu việt (đội Police phòng thủ bằng 2 robot chắn ngang khung thành, tấn công hiệu quả với chỉ 1 robot). Tức là đội này… “công thủ toàn diện”. Ở chiều ngược lại, đội Robot 01 rất thiếu may mắn, dù dùng 3 robot tấn công liên tục.

Ở khoảnh khắc còn 10 giây là kết thúc trận đấu, tất cả cùng đếm ngược, “10, 9, 8…”.

Tỉ số vẫn là 4-0. Mọi thứ dường như đã được định đoạt sớm… Nhưng điều bất ngờ, điều khiến tôi thấy “đã” nhất trận đấu này, xuất hiện!

Sinh viên Bùi Văn Tùng – đội trường đội Police (đang giành thế thắng) – đứng thẳng người, nói đầy nghiêm túc với các đồng đội: “Ra đi, giãn ra, cho đội bạn ghi một bàn (danh dự)!”.

Đội Police điều khiển robot làm theo lời đội trưởng. Dẫu vậy, thật không may, đội đối thủ vẫn bắn sượt cột dọc. Tỉ số 4-0 khép lại. Hai bên ôm nhau động viên kết thúc trận đấu.

Tại sao chi tiết ấy lại khiến tôi thấy “đã”?

Bởi đó không chỉ là hành động đẹp trong thể thao. Nó cho thấy sự tử tế – của Tùng, của những đồng đội tham gia cùng cậu, và nhìn rộng ra, là sự tử tế của sinh viên HPC.

Nếu không có tư duy sống hướng tới sự tử tế, đủ chững chạc và trưởng thành, người ta sẽ không thể có suy nghĩ quyết đoán trong thời khắc cuối như vậy – tức là không dễ dãi tặng điểm, nhưng cũng sẵn sàng chơi đẹp, không dồn ép tới cùng!

Chia sẻ sau trận đấu, khi được hỏi vì sao có hành động “tặng bàn danh dự” như thế, Tùng nói rất chân thành: “Vì tham gia giải, ai cũng mất công, mất sức, chúng em phải thức khuya tới 2-3h sáng để làm. Nếu các bạn ấy cố gắng đến vậy mà không ghi được bàn nào, thì các bạn có lẽ sẽ buồn…”.

Ngay sau trận đấu, người đầu tiên mà đội Tùng báo tin vui chiến thắng là một thành viên của đội, từng tham gia 2 trận đấu. Nhưng thành viên này không may gặp TNGT, bị gãy chân.

Đó, tôi lại được biết thêm một điều tử tế và ý nghĩa nữa, sau chiến thắng của đội Police!

Đến giờ, mọi người chắc đã hiểu tại sao tôi thấy bản thân may mắn khi được tham dự trận đấu, vì những thứ quá “đã”. Qua những thứ đó, tôi thấy được “chất” của giảng viên HPC, “chất” của sinh viên HPC.

Đó là một thứ chất tử tế, làm việc nghiêm túc và hết mình.

Họ là những người thực sự hiểu và yêu HPC. Thế nên những gì tử tế, họ dành cho HPC!

Cre: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

>> Về trang Mục lục – Storytelling theo chuyên đề & thương hiệu <<

Similar Posts