* Mục đích: Giới thiệu công viên X, với không gian sinh hoạt ngoài trời thú vị cho các em nhỏ.
* Nơi đăng: FB cá nhân hoặc fanpage, nhắm tới đối tượng mục tiêu là phụ huynh có con nhỏ.
* Ý tưởng triển khai:
Một người bố bận rộn vừa nỡ mắng và đánh con hôm trước, vì mất kiên nhẫn trước sự “nhây”, không hợp tác của con.
Hôm sau, bố và con đi tới SSV theo chương trình chung của trường. Không gian và sự giải trí tại đây giúp hóa giải tự nhiên mối mâu thuẫn của người bố – con nhỏ, khiến người bố rất xúc động.
Câu chuyện như một sự nhắc nhở người lớn: Ai cũng từng là trẻ thơ với những điều lầm lỗi, nhưng hãy giải quyết bằng sự cảm thông để một đứa trẻ hiểu và tiếp thu, chứ không phải sự áp đặt của người lớn.
* Content Storytelling:
Giọt nước mắt đàn ông ở… công viên
Dù đã làm chương trình kết nối các gia đình ở công viên X tới 5 năm, nhưng hôm Chủ nhật vừa rồi, lần đầu tiên… tôi đứng sững người vì một tình huống không ngờ tới.
Đó là khi các gia đình và con nhỏ hòa vào trò chơi ở công viên như thường lệ, thì tôi thấy một người đàn ông cứ sượng sùng đứng quay mặt vào cây, nửa ngó ra nhìn bọn trẻ nô đùa, nửa áp vào cây với cả thân người rung lên từng đợt.
Vừa thấy cảnh đấy, tôi không hiểu ông ấy đang làm gì. Bản năng bảo vệ trẻ nhỏ trỗi dậy, tôi tiến vội tới nơi để xem người đàn ông kia hành động gì, hay đang cố gắng giấu giếm thứ gì sau thân cây to.
Nhưng…
Tiến lại gần, trời ơi, tin được không??? Tôi thấy anh ấy nấc lên từng hồi, thành tiếng. Hóa ra… anh ấy đang khóc!!!
Mỗi nhịp rung người là một lần anh nấc.
Chưa bao giờ tôi thấy bối rối, khó xử đến vậy. Tôi phải làm gì bây giờ? Tôi có nên hỏi chuyện, an ủi, hay tảng lờ đi không? Khó xử đến cùng cực.
Bất chợt, người đàn ông quay lại, giật mình thấy tôi đứng ngay phía sau. Đôi mắt anh đỏ ngầu.
Vậy nhưng, anh không giấu những giọt nước mắt. Trước mặt tôi, anh lại òa khóc, như một đứa trẻ.
“Anh cứ bình tĩnh! Không việc gì không thể giải quyết. Em giúp gì được anh?”, tôi cố gắng trấn an bằng tất cả sự bình tĩnh của mình.
“Hôm qua, anh đã… đã mắng con thậm tệ, đã… đã… đánh con thậm tệ, đánh đến chảy máu mông…”, vừa nói, anh vừa siết nắm đấm lại, như thể muốn đập tan thứ tồi tệ nào đó quanh mình.
Nhưng hóa ra, điều tồi tệ lại ở trong chính con người anh, nên nắm đấm ấy càng trở nên bất lực.
Sau đó, cả câu chuyện buồn của một gia đình đặc trưng đô thị được anh chia sẻ rõ ràng hơn: Anh bận, đi công tác thường xuyên, nên việc gia đình dồn hết cả vào tay vợ.
Tính anh lại hơi gia trưởng, nghiêm khắc, thành ra lúc về nhà mà chứng kiến cậu con trai 6 tuổi nghịch ngợm, nói không có kính ngữ là anh hay quát.
Thế rồi sau đợt công tác Sài Gòn dài ngày, vừa về nhà thì anh nghe vợ nói là sẽ phải đưa con đi dã ngoại cuối tuần, vì vợ cần sang nhà ngoại chăm ông. Nghe thế, anh khó chịu lắm.
Vừa đi công tác về mệt mỏi, đã lại phải “vận động”, coi như mất toi buổi cuối tuần, anh nghĩ thế.
Trong cảnh ấm ức ấy, anh quát cả nhà ngủ sớm để hôm sau còn đi dã ngoại cho đỡ hại sức. Vậy mà cậu con trai cứ như trêu tức, không ngủ, cứ cầm cuốn vở vẽ nghịch quá 10 giờ tối.
Nổi máu điên, anh quát mắng con thậm tệ. Nhưng… thật bất ngờ, thằng bé không những chẳng sợ như trước, mà lần này, nó còn rất bướng bỉnh, không chịu nghe. Thế là không kiềm chế nổi, anh rút cây phất trần, lao vào vụt con một trận – mà người ngoài nghe, chỉ thấy rặt những tiếng gào, tiếng thét, tiếng cuồng điên của kẻ không thể làm chủ cơn giận của bản thân…
“Bố đi đi! Bố không phải là bố của con! Bố… xấu lắm!”, cậu con trai 6 tuổi đã thốt ra những lời đó trong tiếng nấc, sau trận đòn tứa máu mông.
Còn anh thì như chết đứng tại chỗ, khi thấy vợ mình cũng quay lưng, và thấy cả những giọt đo đỏ, rươm rướm ở mông thằng bé.
Có lẽ ký ức khủng khiếp này sẽ đeo đẳng mãi anh, mãi thằng bé, mãi mẹ nó, mãi cả một gia đình.
Nghĩ thế, anh đau đớn khủng khiếp, nhưng không biết làm thế nào, ngoài việc cung cúc chở con đi dã ngoại theo kế hoạch – như một kẻ đeo gông tội lỗi, chứ không phải là ông bố cùng con đi chơi ngoài trời như bao nhà khác.
Thế mà… trẻ con hay thật!
Đến công viên X và bắt đầu trải nghiệm các trò chơi, thằng bé gần như quên ngay ký ức kể trên.
Nó được tham gia những “lớp học xanh”, “không tường”, thỏa sức sáng tạo vẽ trên tấm bong bóng lớn cuộn vào thân cây.
Nó được chơi đuổi bắt với bạn trên những thảm cỏ xanh mướt. Vừa chạy, vừa đuổi, vừa dồn nhau ngã lăn lộn và cười sằng sặc.
Nó được chụp ảnh tạo dáng giữa thiên nhiên đầy màu sắc, của nắng, của hoa, của cây xanh.
Rồi nó quên hết những ấm ức, những phẫn nộ, những hờn giận của ngày hôm qua. Thằng bé chạy đến chỗ bố nó để ú òa, để cười khanh khách.
Chính khoảnh khắc ấy đã khiến người bố nấp ở cái cây, nửa ngó ra nhìn bọn trẻ nô đùa, nửa bật khóc nức nở.
“Anh chỉ muốn hỏi con còn đau ở mông không, nhưng không dám hỏi. Hình như chơi vui quá, con quên mất rồi. Nhưng anh…”, anh lại khóc.
“Không sao đâu anh! Trẻ con mà! Có sự bướng bỉnh, nhưng cũng có đáng yêu. Có đau, nhưng cũng sẽ nhanh quên. Sẽ không sao đâu, nếu anh thực sự cho con đi chơi như một niềm vui, là người đồng hành của con, chứ không phải coi đó là thứ trách nhiệm thủ tục”, tôi nói và nhìn thẳng vào mắt anh.
Cuối ngày hôm ấy, tại công viên X, giọt nước mắt đàn ông lại rơi. Nhưng… đó là những giọt nước mắt của người đàn ông nhận ra hạnh phúc!
Cre: Vietchuyennghiep.vn
(Giới thiệu điểm vui chơi gia đình: Công viên X)