Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
Storytelling theo chuyên đề Trạng Nguyên tiếng Việt

“Mẹ ích kỷ, mẹ ích kỷ, con nhỉ?”

Sinh con vào năm 31 tuổi, bây giờ, tôi cũng đã ngoài 40. Tuổi này thì cũng hơi lớn so với các mẹ đang có con tầm tiểu học.

Ngày trước, tôi đóng gạch tạp lô bằng tay để bán, vừa vất vả, vừa nghèo. Nhưng từ ngày vợ chồng tôi bén duyên với công việc kinh doanh quán ăn, thì cũng có chút chút tiền gọi là, chưa giàu nhưng cũng không phải chắt chiu từng đồng như trước nữa.

Cứ đến ngày lễ, mọi người có dịp đi chơi là quán nhà tôi lại đông như vỡ trận. Do đó, máu kinh doanh trong tôi luôn hừng hực như chưa bao giờ tắt, mà tôi cũng ham kiếm tiền nữa, nên nhà tôi cứ thế bán quanh năm, chỉ đến khi nào đau ốm hoặc tết âm thì mới nghỉ thôi. 

Vợ chồng bận rộn, nai lưng ra làm từ sáng đến tối, nên con gái của tôi cũng tự lập, hiểu chuyện và siêng năng lắm. Cứ chiều chiều đi học về là con bé biến thành nhân viên “order” món điệu nghệ nhất quán của mẹ. Rồi có những ngày mưa gió rủ nhau ập đến, lúc các bạn đồng trang lứa của con đang say giấc nồng, con vẫn mặc kệ mưa, phớt lờ gió, để lội ra phụ mẹ dọn dẹp vào…

Hôm trước, đi học về, con lân la lại chỗ tôi rồi ngập ngừng kể: “Cứ sắp được nghỉ lễ là các bạn lại xôn xao bàn chuyện đi nghỉ lễ ở đâu. Bạn Minh Anh đi Đà Nẵng, bạn Nhi thì đi Sài Gòn, à bạn Hạnh còn đi Singapore nữa cơ mẹ ạ”.

“Hạnh sướng thế, mới bé tí mà đã được đi nước ngoài rồi cơ đấy?” – Tôi đáp như một cách cho xong chuyện.

Nhưng rồi, nước mắt con bắt đầu tứa ra, nghẹn ngào như đã dồn nén bấy lâu: “Sao ai cũng được đi chơi xa, chỉ có mỗi mình con, xa nhất là tết đi về quê ngoại. Con xấu hổ, sợ các bạn chê cười nên năm nào con cũng phải nói dối là con được đi chơi. Mẹ cho con đi chơi xa một lần thôi, để con có kỉ niệm về kể cho các bạn được không?”.

Mặt tôi lạnh như nước đá, ngồi như khúc gỗ vô hồn, nhưng tâm trạng thì chếnh choáng, cổ họng nghẹn ứ lại…

Bấy lâu này, mắt tôi nhuộm đầy lên màu sắc của đồng tiền, cứ nghĩ có tiền nuôi con lớn, cho con đi học là được, mà chẳng màng đến sức khỏe tinh thần của con.

Tôi ấy, chính tôi!

Ích kỷ quá, chỉ quan tâm đến tài sản, nhưng tài sản lớn nhất là con thì lại chẳng hết lòng chăm lo.

Con bé chưa bao giờ kể lể gì với tôi, hẳn con đã kìm hàng trăm, hàng vạn điều ấm ức khó nói. Đến khi không thể chế ngự được nữa, thì lần này, con mới can đảm trút hết tâm tư….

“Mẹ xin lỗi, mẹ thật vô tâm…” – Tôi nợ con câu nói này, tôi nợ con quá nhiều…

Tệ thật, tôi chẳng nhớ rõ lần gần nhất mà tôi gần gũi, thủ thỉ hỏi thăm cảm xúc của con là khi nào nữa. Cùng với bức tường nhận thức cũ rích của mình thì tôi cũng chưa bao giờ dẫn con đi chơi xa, vì tôi đặt việc kiếm tiền lên trước mắt, việc làm giàu là ưu tiên…

Đêm hôm ấy, mây với gió lẳng lơ, tôi sửa sang, chỉnh đốn lại suy nghĩ. Tôi cần sống chậm lại, lắng lòng xuống nghe con nhiều hơn, thay đổi hoàn toàn thái độ sống trước kia. Sao trước giờ, tôi có phúc mà không biết hưởng nhỉ? Không biết tận hưởng những khoảnh khắc đồng hành cùng con, nhìn con lớn lên mỗi ngày???

Tôi run rẩy mở điện thoại, lần đầu tham khảo những kênh du lịch, gói dã ngoại… Toàn những thứ mới mẻ của lần đầu tiên, nhưng… tất thảy đều đã hết chỗ. Thậm chí, có bạn tư vấn còn hỏi lại tôi qua chat messenger: “Chị đùa em à, mà đến sát kỳ nghỉ lễ dài ngày thế này, chị mới hỏi đặt chỗ?”.

“Có một gói bốn ngày, ba đêm, người ta bị ốm nên ‘pass’ lại. Cậu có chốt hay là thôi, ở nhà bán hàng? Mấy ngày này, đông khách lắm chứ bộ!”, cô bạn thân mang tới phương án chữa cháy cho tôi, nhưng vẫn còn dè chừng, chắc nó nghĩ đời nào tôi bỏ phí cơ hội kiếm tiền này.

Nhưng… không!

“Tớ đặt, đặt ngay! Kể cả trả phí cao hơn, tớ cũng đặt!”, một sự quyết tâm khiến bạn tôi ngỡ ngàng, mà chính tôi cũng còn đang phải làm quen với nó.

Sáng hôm sau, tôi ngồi nắn nót viết sẵn tấm biển thông báo nghỉ: “Nhà hàng xin phép nghỉ lễ từ ngày… đến ngày…”. Mỗi chữ viết ra, thật lạ!

Nó vừa như từng nhát dao, đâm vào lòng tôi, nhắc tôi nhớ quãng thời gian vô tâm và ích kỷ thuở nào. Nhưng nó cũng lại như giọt nước mát lành, tưới vào tâm hồn khô cằn đang khát của tôi lúc này…

Thấy mẹ chăm chú viết tấm biển lạ kỳ, con tôi đứng ở phía sau, hỏi: “Sao ngày lễ mà lại nghỉ, hả mẹ?”.

Nghe con nói thế, tôi chỉ biết ngồi, ôm mặt khóc tu tu như đứa trẻ. Vừa khóc, tôi vừa cố nói với con, sắp tới, nhà mình sẽ đi nghỉ, con nhé, vé mẹ đặt được đây rồi, mẹ vui quá nên khóc không kìm được…

Thế là hôm ấy, một cảnh trái ngược diễn ra. Phòng trong, mẹ ôm mặt khóc nức nở. Phòng ngoài, con chạy ra lấy điện thoại, tíu tít khoe hết người này đến người khác.

Khuôn mặt con rạng ngời đến lạ, khuôn mặt mà tôi chưa từng thấy bao giờ… Cảm ơn con vì đã dũng cảm nói ra, để mẹ biết rằng, mẹ đã vô tâm và ích kỷ dường nào..

Thật lòng, để kể ra câu chuyện này, tôi cũng đắn đo lắm, vì đâu phải ai cũng dễ dàng công khai lên án bản thân? Nhưng khi nhìn kỹ, tôi thấy hình bóng những người mẹ như tôi vẫn còn rất nhiều ở ngoài kia.

Và tôi quyết định chia sẻ với mong muốn rằng, câu chuyện này sẽ giúp cho đứa trẻ nào cũng sẽ được nâng niu tâm hồn, được lắng nghe giãi bày và được giải phóng cảm xúc. 

Con không nói, nhưng biết đâu, con lại đang nhói trong lòng?

Cre: Thúy Quỳnh – Vietchuyennghiep.vn AGENCY

>> Về trang Mục lục – Storytelling theo chuyên đề & thương hiệu <<

Similar Posts