Thứ ba, Tháng mười hai 3, 2024
Storytelling theo chuyên đề Trạng Nguyên tiếng Việt

Con đã đuối, lại còn bị đẩy xuống sâu hơn…

Vào dịp nghỉ lễ dài ngày cách đây khoảng 3 năm, có một câu chuyện khó quên mà tôi luôn muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Đó là khi cả nước được nghỉ, thì một cậu bé học lớp 4 ở khu chung cư nhà tôi bị mẹ bắt lên gặp “chú Hiếu”.

Gặp bằng được!

Nguyên do là bởi cậu bé “học kém quá”, “tốn tiền quá”, “ép đi học thêm đủ lớp rồi mà không khá lên được”, “bất lực” (lời mẹ cậu bé nói với tôi).

Trong khi đó, “chú Hiếu có tiếng học giỏi từ xưa, đỗ Bách Khoa… Lên để chú giáo huấn lại cho, chứ cứ thế này thì chết” (vẫn lời người mẹ).

*****

Thực ra, ngay từ khi cuộc gặp chưa bắt đầu, tôi đã nhận ra vấn đề nằm ở đâu.

Qua một số câu chuyện trước đây, tôi hiểu rằng, người mẹ đó kỳ vọng quá mức vào con mình, thành ra tạo những thứ áp lực vô hình không đáng có.

Quả nhiên…

“Cháu chào chú! Mẹ cháu bảo cháu lên gặp chú”.

“Ta tạm thời quên việc ‘mẹ cháu bảo’ đi một lúc nhé! Thế cháu có thực sự muốn gặp chú không?”

“Cháu… không biết!”.

“Tại sao lại không biết? Chuyện cũng đơn giản thôi. Nếu muốn, thì cháu gặp. Không muốn, cháu có thể từ chối với mẹ cháu cơ mà?”.

“Nhưng cháu… cháu… mẹ cháu đã bảo, thì tức là phải làm. Nếu không, mẹ cháu sẽ cáu và nói rất nhiều…”.

OK, vấn đề đấy!

Đây chỉ đơn giản là một cuộc gặp, trò chuyện, nhưng cậu bé cũng không thể tự quyết cho chính mình.

Dù sao thì qua cách dạo đầu gần gũi và không giống ai đấy của tôi – chứ không phải là những thứ giáo điều, sáo rỗng, gồng cứng – cậu bé cũng chịu mở lòng chia sẻ hơn.

Cậu bảo, cậu không thích học, đúng ra là… chán học. Mà càng chán, cậu lại càng bị ép.

Học ban ngày chưa đủ, phải học thêm trên lớp, rồi đến tối lại học thêm mấy buổi nữa…

Cậu không có thời gian nghỉ. Thế là càng đuối sức, càng chán, điểm càng kém, vì “cháu luôn thấy đầu trống rỗng. Có bài vừa làm xong, sau đó không nhớ hay hiểu gì nữa”.

Nhưng…  kết quả học tập càng đi xuống, mẹ cậu lại càng bắt đi học thêm nhiều hơn, như thể đó là sự “bù đắp” để ép cho con giỏi lên bằng được – một “sự bù đắp”… đẩy con mình tụt xuống sâu hơn.

“Cảm giác của cháu rất tồi tệ” – một đứa trẻ lớp 4 nói như thế, khiến tôi ngỡ ngàng.

“Vậy sao cháu không thử một lần kiên quyết nói với mẹ, con mệt rồi, con muốn nghỉ?”.

“Cháu… không biết. Mẹ cháu luôn bảo là, mẹ đang làm những thứ tốt nhất cho con”.

Tôi thở dài.

Cậu bé cũng thở dài, như người lớn.

***** 

Tôi ngồi im lặng một chút, để cảm giác bức xúc trong cậu bé nguôi ngoai.

Rồi tôi nói:

“Mẹ cháu nghĩ nó tốt, nhưng cháu không thấy tốt. Cháu càng cố, càng tệ. Đến lúc không chịu được nữa, nó sẽ tệ cho cả hai. Mà ở vị trí đứng ngoài nhìn vào, chú cũng thấy là cách học như vậy không hề tốt chút nào cả!”.

Kế đó, tôi đưa ra “lộ trình” tìm lại chính mình cho cậu bé lớp 4 như sau:

Đầu tiên, cần mạnh dạn từ chối, cắt hết những lớp học thêm không thấy phù hợp.

Thứ đến, cả mẹ và con cần học cách làm quen với… điểm số thấp – đây không phải là sự chấp nhận, mà hai mẹ con cần hiểu rằng, đó không phải là thứ có thể thay đổi ngay lập tức. Cần thời gian để bình tĩnh, tránh sai lầm.

Cuối cùng, họ cần nhìn xem cậu bé đang thực sự hổng kiến thức ở đâu, rồi tìm cách hiệu quả nhất để khắc phục: Ai dạy? Vào thời gian nào? Phương pháp ra sao… khiến cậu bé cảm thấy “thích thú” nhất?

Tìm được rồi, thì cậu bé chỉ học ở đấy mà thôi.

*****

Nghe xong, cậu bé đứng dậy.

“Cháu cảm ơn chú, thế mà cháu không nghĩ ra!”.

Tôi thấy bất ngờ, vì phản ứng ‘người lớn’ như vậy của cậu bé.

Sau đấy khoảng 2 tuần, khi tình cờ gặp lại, tôi thấy thần sắc của cậu bé tươi tỉnh hơn hẳn. Cậu còn chủ động “chào chú” một cách vui vẻ – chứ không cần mẹ phải nhắc “chào chú đi con” như trước.

Chưa kịp hỏi sao rồi, cậu tự bảo, “nhờ chú mà cháu kiên quyết từ chối, bảo mẹ cho nghỉ hết. Được nghỉ, cháu cảm thấy đỡ căng thẳng hơn hẳn. Cháu bảo chú nói thế, mà chú học giỏi vậy, nên mẹ phải nghe. Ngày xưa, chú có đi học thêm nhiều đâu. Chú chỉ học chỗ nào phù hợp…”.

Hơn tháng sau đấy, lại gặp, thì cậu nói chỉ cần bỏ bớt số lớp học thêm, cậu đã giành thêm 1-2 điểm kiểm tra tiếng Việt và Toán so với trước đây. Đơn giản vì cậu không bị rơi vào trạng thái “đầu trống rỗng” nữa.

1-2 điểm có thể không nhiều, nhưng tôi hiểu, đó là cả một bước tiến lớn của cậu bé ấy, thay cho sự đẩy xuống hố sâu hơn.

*****

Có một chi tiết mà giờ, tôi mới tiết lộ.

Đó là cậu bé đã thay thế nhiều môn học thêm mệt mỏi, bằng chương trình giáo dục trực tuyến của Trạng Nguyên. Đó đều là những chương trình cơ bản, khơi gợi tư duy, kiểu “vừa học, vừa giải trí”.

Tôi tin là, sự thay đổi của cậu cũng là một phần triết lí của Trạng Nguyên: Học, thì phải vui,  phải khích lệ sự cởi mở và sáng tạo.

Còn học kiểu ép vào khuôn, “tả văn mẫu”, “làm bài toán mẫu” thì dù điểm cao cũng không vui, điểm thấp lại càng áp lực…

Đến thời điểm này, có những lớp đã thi học kỳ II, có những lớp sắp thi. Tôi hi vọng rằng, mỗi bậc làm cha làm mẹ sẽ thông cảm và thấu hiểu con mình nhiều hơn.

Dù kết quả thi cử có thể nào, xin hãy đưa bàn tay ra để con nắm lấy, thay vì đẩy con xuống bậc thang sâu hơn của sự tự ti và tuyệt vọng, bố mẹ nhé!

Cre: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn AGENCY

>> Về trang Mục lục – Storytelling theo chuyên đề & thương hiệu <<

Similar Posts