Nhắc đến phô mai hun khói Nga, là nhắc tới SOLSE – loại phô mai dây xoắn sợi phổ biến trong hệ thống siêu thị khắp Việt Nam. Phổ biến là vậy, nhưng những câu chuyện đằng sau SOLSE không phải ai cũng biết. Đó là câu chuyện phô mai hun khói Nga được sản xuất tại Việt Nam, với chất lượng và vị ngon “y như sản phẩm của Nga”, hay câu chuyện của công ty sản xuất đặc biệt, với… “bố và các con”.
Khi tham gia một bữa tiệc nguội tại văn phòng, có những người đã ngạc nhiên và thích thú trước đĩa phô mai xé sợi, bông xù lên như đĩa mực.
Ngạc nhiên vì từ hình dạng ban đầu của một chiếc bím tóc tết, cuộn phô mai dần được gỡ và xé ra, tạo thành đĩa phô mai hun khói xé sợi ngon lành.
Thích thú vì những sợi phô mai dai dai, béo béo, thơm ngậy ấy uống với bia rất hợp, vừa thơm mùi phô mai lại vừa nồng nàn mùi hun khói. Hợp tới nỗi không ít người trong bữa tiệc đã quên hẳn đĩa mực xé trên bàn…
Đó là câu chuyện phổ biến được nhiều khách hàng chia sẻ về khoảnh khắc đầu họ thưởng thức Phô mai Hun khói SOLSE.
Trải qua thời gian, SOLSE trở thành một xu hướng (trend) thưởng thức tràn ngập mạng xã hội, từ TikTok tới Facebook…
Ngày càng phổ biến và được yêu thích như vậy, nhưng phía sau từng cuộn Phô mai Hun khói SOLSE, có những câu chuyện thú vị mà không phải ai cũng biết.
Đằng sau SOLSE là một khát vọng thức thời
Nhà sản xuất Phô mai Hun khói SOLSE là Công ty TNHH Nguyễn Hồng. Người sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Công ty là ông Nguyễn Hồng Dũng, một người có thời gian dài học tập và sinh sống tại Nga từ những năm 90.
Công ty Nguyễn Hồng ra đời năm 2002, chuyên kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, quà tặng lưu niệm và mỹ phẩm từ Liên bang Nga. Chỉ sau 2 năm, vào năm 2004, Nguyễn Hồng bắt đầu sản xuất Phô mai Hun khói SOLSE, với bí quyết đặc biệt và dây chuyền nhập khẩu, tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng và có vị ngon như phô mai truyền thống tại Nga.
“SOLSE nghĩa là ‘Mặt trời’, thể hiện sự ấm áp cũng như khát vọng tăng trưởng. Tôi quyết định dồn hết tâm huyết và công sức vào sản phẩm phô mai hun khói, nên tôi muốn đặt tên là SOLSE“, ông Dũng chia sẻ.
Nhớ lại lần đầu tiên thưởng thức phô mai hun khói trên đất Nga vào những năm 90, ông Dũng đã rất bất ngờ – một sự bất ngờ đầy thú vị. Sản phẩm này có nguồn gốc từ dân tộc Armenia, được gọi là “Chechil”, nghĩa là (sợi) “rối” (dạng phô mai sợi). Vị phô mai dai, béo ngậy và thơm mùi hun khói khiến ông Dũng ấn tượng không quên.
Thời đó, chính người Nga cũng ít biết đến sản phẩm này.
Ông Dũng đưa vài sợi phô mai hun khói lên miệng, nhấm nháp vị ngon, tay mân mê những sợi phô mai khác. Rồi một suy nghĩ lóe lên trong đầu ông: Việt Nam có nguồn sữa. Nhưng những sản phẩm chế biến từ sữa chưa có nhiều, chưa phong phú và hiệu quả. Mà “Chechil” lại quá thú vị. Dù người Nga lúc này thậm chí còn chưa biết nhiều đến “Chechil”, nhưng vị ngon này chắc chắn sẽ lan tỏa. Và người Việt hẳn cũng sẽ phù hợp và yêu thích.
Vậy là Phô mai Hun khói SOLSE ra đời – một sự ra đời đầy khát vọng và thức thời từ người đàn ông Việt yêu văn hóa Nga đến cháy bỏng!
Cảm giác thân thuộc của SOLSE
Khi đưa sản phẩm phô mai hun khói về Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Dũng hiểu rằng, cần phải đưa công thức, quy trình và những hệ thống máy móc độc quyền về, để làm chủ hoàn toàn khả năng sản xuất.
Đi kèm với đó, người đàn ông từng trải cũng hiểu, ông đang đưa cả những khó khăn, thách thức về theo mình.
Ngay khi bắt tay vào công việc, ông Dũng và Nguyễn Hồng đã nếm trải điều khó khăn đầu tiên.
Đó là vào những năm đầu 2000, nguồn sữa Việt Nam có nhưng đầy tính cạnh tranh. Không dễ để thiết lập mối quan hệ với nguồn cung sữa chất lượng và ổn định.
Không có sữa, sẽ không có phô mai – đó là nguyên lý cơ bản đầu tiên.
Lập tức, ông Dũng và cộng sự lên kế hoạch chi tiết và chu đáo để đảm bảo nguồn cung: Tạo chính sách trả giá cao hơn (thị trường) cho nguồn sữa đều và chất lượng; Đồng hành cùng bà con chăn nuôi như những người thân…
Kế hoạch xong xuôi, từng nhân sự Nguyễn Hồng tỏa đi thực hiện ở từng hộ chăn nuôi đối tác. Mối quan hệ thân thuộc của bà con nuôi bò với SOLSE hình thành từ đó.
Đến giờ, qua 20 năm, Nguyễn Hồng và SOLSE vẫn thân thiết và giữ mối hợp tác với những nông dân nuôi bò, như bác Thực (…), chị Loan (…). Chất lượng đảm bảo của SOLSE đến từ dòng sữa mát lành từ đó.
Bên cạnh khó khăn về nguồn cung sữa, Nguyễn Hồng còn đối mặt với sự khác biệt về khí hậu giữa Việt Nam (nóng, ẩm) với Nga (khô, lạnh), dẫn tới yêu cầu về quy trình chế biến và bảo quản khác nhau. Từ đây, Phòng Nghiên cứu Sản phẩm SOLSE của Nguyễn Hồng ra đời, với những kỹ sư lành nghề về thực phẩm miệt mài tìm hướng.
Nói về khó khăn, còn nhiều, nhiều nữa những kỷ niệm, thử thách, chông gai, song tại Nguyễn Hồng, ông Nguyễn Hồng Dũng tự tin với một bí quyết giúp vượt qua tất cả. Đó là ngoài khát vọng, Nguyễn Hồng có đội ngũ nhân sự là những… “đứa con”, gọi ông Dũng là “bố”.
“Khi làm việc, mọi người gọi tôi là ‘chú’, xưng ‘cháu’ hoặc ‘tôi’. Nhưng bên lề công việc, thì chúng tôi gọi nhau là bố – con. Mọi người gọi tôi là ‘bố’ một cách tự nhiên. Tôi gọi các bạn ấy là ‘con’, cũng tự nhiên như thế. Chẳng hiểu sao, khi gọi nhau như vậy, chúng tôi thấy mọi thứ thật gần gũi và thân thuộc“, nhà sáng lập SOLSE và Nguyễn Hồng chia sẻ chân thành.
Bây giờ, mọi người nói nhiều về “văn hóa doanh nghiệp”, như một yếu tố giúp công ty phát triển bền vững.
Tại Nguyễn Hồng, “văn hóa doanh nghiệp” của “bố” và “các con” đã hình thành ngay từ những ngày đầu, trở thành yếu tố quan trọng để SOLSE vượt qua muôn vàn khó khăn.
Bởi thế, ông Nguyễn Hồng Dũng luôn vững một niềm tin, rằng “SOLSE sẽ thắng! SOLSE phải thắng!”, vì đó là tâm huyết, là sản phẩm của “bố” và những “đứa con”.
“SOLSE giống như danh dự của một gia đình! Chúng tôi trân trọng và quyết tâm vì danh dự ấy!“, ông Dũng bày tỏ đầy kiên định.
Những dấu hiệu khởi sắc của SOLSE
Trải qua hành trình ổn định nguồn sữa, cho tới hoàn thiện quy trình sản xuất (lên men, tết sợi, hun khói…), những cuộn Phô mai Hun khói SOLSE đầu tiên thành hình.
Ông Nguyễn Hồng Dũng không thể quên khoảnh khắc khi cầm trên tay những sản phẩm đó. “Vậy là những ‘bím tóc cô gái Nga’ đã thực sự được tạo ra trên mảnh đất Việt. Giờ là lúc lan tỏa SOLSE ra thị trường”, ông Dũng đặt quyết tâm cao độ.
Xem thông tin Phô mai Hun khói SOLSE trên mạng xã hội Facebook tại đây!
Dấu hiệu khởi sắc đầu tiên của Phô mai Hun khói SOLSE là khi đội ngũ Nguyễn Hồng mang sản phẩm tới những hệ thống “chuẩn Nga” – các cửa hàng bán đồ Nga, Đại sứ quán Nga… để mời ăn thử.
“Ngon quá! Bên các bạn vừa nhập từ Nga về à?“.
“Đây là phô mai hun khói sản xuất ở Việt Nam thật sao??? Không thể tưởng tượng được, vì y như ăn ở bên Nga vậy“.
Đó là 2 trong số những lời nhận xét mà Nguyễn Hồng nhận được, từ những người rất hiểu văn hóa và ẩm thực Nga, trong quá trình mời ăn thử.
Đối với những ai chưa từng sống ở Nga, thì họ vẫn hào hứng ăn thử và tỏ ra thích thú, ngạc nhiên vì không nghĩ tại sao sữa có thể làm ra sản phẩm như vậy: Dai, béo, thơm vị hun khói…
Dấu hiệu khởi sắc đó mở màn cho trào lưu mua sắm, thưởng thức và hình thành thói quen trong đời sống ẩm thực của các gia đình Việt, cho tới những bữa tiệc nguội văn phòng: Ăn đồ nguội là phải có cuộn phô mai hình bím tóc SOLSE; Uống bia là phải có SOLSE; Khai vị là phải có SOLSE…
Đến giờ, khi vào bất kỳ siêu thị nào, mọi người đều dễ dàng có thể tìm thấy SOLSE, bởi sản phẩm thân thuộc này đã có mặt tại các hệ thống siêu thị phổ biến nhất Việt Nam: WinMart, Topsmarket, Big C, LOTTE Mart, Circle K…
Trên đà thăng hoa, Phô mai Hun khói SOLSE vinh dự được nhận nhiều giải thưởng ấn tượng. Cụ thể, SOLSE đã giành được các giải thưởng:
* Chứng nhận Phô mai Hun khói SOLSE dê đạt Top 1 Hàng Việt Nam được người dùng yêu thích 2024
* Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ chất lượng cao vì người tiêu dùng 2023
* Top 20 Sản phẩm uy tín – chất lượng tốt được người Việt tin dùng 2022
* Top 20 Sản phẩm chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng 2021
Tại sự kiện “Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, ngày 22/10/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cầm cuộn Phô mai Hun khói SOLSE lên, bày tỏ sự thích thú về sản phẩm được tạo ra ngay tại Việt Nam.
“Đến giờ, sau 20 năm có mặt trên thị trường, tôi vẫn chưa gọi những gì Phô mai Hun khói SOLSE làm được là chiến thắng! Vì so với nhiều người khác, tôi cho rằng mọi thứ vẫn còn khiêm tốn. Tôi gọi kết quả đạt được của SOLSE là… niềm vui. Và tôi cũng luôn dặn những đứa con của mình ở Nguyễn Hồng rằng, ‘Không được ngủ quên trên niềm vui!’“, ông Nguyễn Hồng Dũng giãi bày.
Hiện giờ, “niềm vui” SOLSE tiếp tục lan tỏa ra những thị trường khác ở Đông Nam Á, và được người tiêu dùng Malaysia đón nhận tích cực. Tương tự người tiêu dùng Việt Nam thưởng thức SOLSE những ngày đầu, thực khách ở nước ngoài thích thú với các sợi phô mai hun khói dai, béo và thơm. Họ không quên bày tỏ sự ngạc nhiên khi đây là một sản phẩm chế biến từ sữa, giàu dinh dưỡng với hương vị nồng nàn ấn tượng.
“SOLSE sẽ không dừng ở đó! Thương hiệu Nguyễn Hồng và Phô mai Hun khói SOLSE đã có mặt trên các kệ siêu thị nước ngoài. Tại Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục ra mắt thêm nhiều sản phẩm phô mai khác nữa – bởi không có nhiều hãng sở hữu kinh nghiệm chế biến phô mai tới 20 năm như Nguyễn Hồng. Trước mắt là sản phẩm mới: Ruốc phô mai SOLSE, và sẽ còn nhiều, nhiều loại phô mai hấp dẫn khác!“, ông Nguyễn Hồng Dũng chia sẻ về tương lai.
*****
“SOLSE nghĩa là ‘Mặt trời’, thể hiện sự ấm áp cũng như khát vọng tăng trưởng. Qua thời gian, SOLSE đã làm được điều ý nghĩa: Khi nhắc đến phô mai hun khói Nga, là mọi người nhắc đến SOLSE”.
Hành trình 20 năm chinh phục thị trường của Phô mai Hun khói SOLSE có lẽ chỉ cần tóm tắt bằng những dòng chữ trên là đủ – đủ thông tin, cảm xúc, ý nghĩa và cả sự nâng niu, trân trọng của những người tạo ra “bím tóc tết của cô gái Nga” trên mảnh đất hình chữ S.
Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu