Thứ năm, Tháng mười một 21, 2024
Bài mẫu Vietchuyennghiep.vn Content chính luận

Bỏ tiền tỷ theo đuổi dự án lạ: Sân bóng ở vùng thuần nông

Ở một miền quê thuần nông vốn ít người nghĩ tới chuyện bỏ tiền ra để dùng dịch vụ giải trí hàng ngày, một chàng trai sinh năm 1989 đã có ý tưởng liều lĩnh khi đầu tư gần 1 tỷ đồng để mở sân bóng đá mini dùng cỏ nhân tạo. 

Những khó khăn trong giai đoạn đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng startup này nhiều không kể hết, nhưng có lẽ chỉ một câu nói của người hàng xóm cũng giúp chúng ta hiểu chàng trai đó đã phải “chiến đấu” thế nào để bảo vệ quyết tâm của mình: “đầu tư sân bóng làm gì? Họa chăng chỉ để người dân ở đây thả bò mà thôi!”.

Sân cỏ nhân tạo ở giữa nông thôn

“Chuyền đi, chuyền ngay!”, “Sút!”, “Lật sang cánh kia kìa, thọc qua hậu vệ!”… Những tiếng hò hét sôi động của một trận cầu nảy lửa, những giọt mồ hôi của các thanh niên hào hứng vờn bóng trên mặt sân cỏ nhân tạo xanh rì, những bước chạy nhanh thoăn thoắt của các “cầu thủ” vốn ban ngày là nông dân đích thực… Tất cả hình ảnh thú vị đó vẫn hàng ngày diễn ra trên sân bóng mini ở đội 3, thôn Nam Lãnh, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Bên ngoài sân, một thanh niên hiền lành,  ngồi tẩn mẩn quan sát. Lúc thì anh nhìn theo trái bóng, dõi chi tiết trận đấu đang diễn ra, lúc anh lại ngắm nghía mặt sân, khung gôn, rồi mắt lưới quanh sân, vẻ tâm đắc lắm! Anh là Lê Huy Hoàng, một người trẻ tốt nghiệp báo chí ở trường cao đẳng truyền hình, nhưng không lựa chọn một công việc đúng như nghề đào tạo, mà rẽ theo hướng… startup.

Lúc đầu, anh băn khoăn khi được đề nghị chia sẻ về dự án mở sân bóng của mình như một “startup”, nhưng sau đó, anh hiểu ra rằng startup không có nghĩa phải là công nghệ, phải là một doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức  hay sở hữu chuỗi cửa hàng thương hiệu ra sao… Startup có thể đơn giản chỉ là tạo ra mô hình kinh doanh một dịch vụ, sản phẩm mới mẻ trong phạm vi nào đó, mang lại lợi nhuận và làm ra giá trị có ích cho xã hội. Vậy nên anh đã tự tin hơn với câu chuyện startup “vô số khó khăn, nhưng không thiếu nhiệt huyết và đam mê” của bản thân. Vậy tại sao lại là sân bóng, chứ không phải loại hình dịch vụ hay sản phẩm nào khác? Sân bóng thu phí ở một vùng thuần nông, mới nghe, không ít người đã cảm thấy “nản lòng”…

Anh kể, có 2 điều khiến anh đặt quyết tâm cao đến vậy cho dự án mở sân bóng của mình. Thứ nhất là hình ảnh các thanh niên đồng trang lứa thường xuyên “dán mắt” vào màn hình điện thoại và khi có thời gian thảnh thơi, họ lại rủ nhau vào các quán internet. Thứ hai là cảnh các em nhỏ ham mê đá bóng, nhưng không có một sân chơi đích thực. Các em đá mọi nơi có thể, từ sân giếng làng toàn xi măng, cát, sỏi, cho tới những bãi đất ẩm, dính bẩn bê bết vào bóng và quần áo sau mỗi trận đấu…

Vì chứng kiến những điều đó, Lê Huy Hoàng quyết tâm làm một điều thật đặc biệt nhưng có ý nghĩa, vừa để kiếm thu nhập cho gia đình, vừa tạo ra một sân chơi lành mạnh và tích cực cho mọi người.

Anh kể, để mở sân bóng mini có kích thước 40×21(m), dành cho đội bóng 5 người, anh và người bạn thân phải bỏ ra 350 triệu đồng mua đất, rồi dành thêm 500 triệu đồng nữa để sắm sửa các trang thiết bị trên sân (mặt cỏ nhân tạo, cầu môn, lưới…).

Cả Hoàng và người bạn gom góp đều không có đủ số tiền chi trả các khoản dự tính. “Do đã vạch rất chi tiết từng hạng mục của dự án để điều phối dòng tiền đầu tư sao cho hiệu quả mà lại tiết kiệm nhất, nên tôi hiểu rằng số tiền mình cần cho dự án là buộc phải có đủ, không thể thiếu một đồng.

Không chỉ gặp khó khăn về vốn, Lê Huy Hoàng và người bạn thân còn phải đối mặt với vô số lời chỉ trích, đùa cợt, hoài nghi về khả năng thành công của một “sân bóng chuyên nghiệp ở nông thôn”. “Nếu ví yếu tố thuận lợi là 1, thì khó khăn mà mình phải đối mặt khi bắt đầu dự án là 1.000…”, anh nhớ lại. Điều khiến anh không thể quên là lời của một người hàng xóm, dù có thể đó là lời khuyên chân thành của họ để mong anh không rơi vào cảnh tay trắng, nợ nần… “Đầu tư sân bóng ở đây để làm gì, ai chơi? Họa chăng chỉ để người ta thả bò mà thôi!”.

Khi bắt đầu chạy dự án, vào tháng 8-2015, Hoàng 26 tuổi. Ở nông thôn, tuổi này bị coi là “quá già” để lấy vợ, nhưng lại “quá trẻ” để tự mình đứng ra mở một cơ nghiệp riêng. Nên không có gì khó hiểu với những lời bàn tán, nghi ngờ của xóm làng lúc ấy… Nhưng Lê Huy Hoàng không nản chí, vì anh bảo, nếu người trẻ mà nhanh nản chí như thế, thì làm được gì nữa. Vậy là người dân trong xóm thấy chàng trai ấy ngược xuôi khắp nơi để hỏi vay tiền, mua đồ, tự tay làm những việc nhỏ nhất để chăm chút cho sân bóng – dự án choán hết tâm trí cả ngày và đêm của anh.

Tháo dần những nút thắt

Muốn giải quyết được khó khăn, thì phải cởi dần các nút thắt. Nút thắt đầu tiên trong startup của Lê Huy Hoàng là tiền vốn đầu tư. Gom góp các mối trong nhà, anh vẫn còn thiếu 200 triệu đồng nữa.

Không muốn vay nợ người thân, anh tự mình cầm sổ đỏ của gia đình đi thế chấp để vay tiền ngân hàng. Nhưng ngân hàng giải quyết chậm… Anh lại đi tìm mối vay tiền khác. “Người cho mình vay tiền cũng nhấc lên đặt xuống quyết định, xem mình có khả năng trả hay không, lời lãi thế nào… Giai đoạn này là lúc mình thức trắng nhiều đêm liền vì lo lắng, suy nghĩ. Rồi cũng có người đồng ý cho vay, và mình nhớ mãi cái khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc nhận tiền và ngồi viết giấy vay nợ… Chắc chắn đời mình sẽ không bao giờ quên!”, Lê Huy Hoàng trải lòng.

Vì muốn tiết kiệm tối đa, dồn tiền vào mua trang thiết bị, nên Hoàng và người bạn thân tranh thủ làm mọi việc để đỡ phải thuê người. Thời điểm bắt đầu dự án là tháng 8-2015, rơi đúng mùa mưa, ít ai ngờ hai “ông chủ” sân bóng lại chính là hai công nhân đội mưa san đất, đêm nằm co ro dưới cái lán dựng tạm, ngửi hơi đất nồng và lạnh bốc lên. Vừa nằm, họ vừa ngắm cái mái dột ẩm thấp, vừa nghĩ tới tương lai tươi sáng để lấy đó làm động lực vượt qua những khó khăn bộn bề…

Thế rồi sau bao nhiêu cố gắng, với hàng chục, hàng trăm nút thắt được tháo gỡ, nỗ lực của hai chàng trai trẻ cũng được đền đáp xứng đáng: Sân cỏ nhân tạo mini hoàn thành, trở thành nơi vui chơi lành mạnh cho bao người dân trong làng.

Trong 3 tháng đầu tiên, sân bóng mang lại khoản lợi nhuận 20 triệu đồng mỗi tháng (đã trừ hết mọi chi phí). Hiệu quả quy ra tài chính đó là sự khẳng định rõ ràng nhất cho tính khả thi của dự án mà Lê Huy Hoàng theo đuổi. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi khó khăn đã chấm dứt!

Sân bóng được hình thành, các “ông chủ” lại đối mặt với thực trạng sử dụng vô ý thức của một bộ phận người dân lui tới đây. Có thanh niên ngồi hút thuốc, tiện tay châm luôn vào… lưới cho cháy mắt lưới. Có người dân thấy đoạn đường ống nước sạch của sân thì tiện tay tháo ra để bán đồng nát. Có người đổ cả thùng rác ra chỉ để lấy chiếc túi nilon đựng rác mang về nhà dùng…

 “Giữa trưa nắng oi bức, tôi phải tự tay chạy đi khâu từng mắt lưới bị họ châm thủng.  Mọi thứ tôi đều nghĩ thật tích cực như vậy để tiếp tục phát triển dự án tốt hơn”, anh kể.

Khi phụ nữ bế con ra sân bóng…

Và rồi quả nhiên cái sân bóng cỏ nhân tạo mini ấy tạo ra những hiệu ứng tích cực tới không ngờ, nhờ sự nỗ lực của những người tạo ra nó.

Đó là rất nhiều phụ nữ trong làng đã rủ nhau tới sân bóng của Lê Huy Hoàng để giải trí. Họ ham mê đá bóng không khác gì cánh mày râu, nên thậm chí rất nhiều người phải bế theo con nhỏ ra sân để được… chơi bóng.

Vì thế, Hoàng đã tính tới việc mở thêm một khu vui chơi tại sân bóng để dành cho các em nhỏ vừa chơi, vừa học, trong khi bố mẹ các em mải mê với trái bóng trên sân. Rồi cả quán  cà phê để mọi người thư giãn…

Tôi tin dự án của Lê Huy Hoàng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, vì những gì dự án ấy làm được đã vượt ngoài tiêu chí kiếm tiền thông thường. Tôi coi đó là một dự án startup hoàn toàn nghiêm túc. Khi chia tay Hoàng, tôi đã nghĩ tới hàng loạt bài học và kinh nghiệm mà chàng trai trẻ này chia sẻ, để viết vào câu chuyện thú vị này.

Giờ đây, nếu ai có ý định thực hiện một startup, thì chỉ cần trả lời câu hỏi: startup đó có gì “độc, lạ”? Người thực hiện có đủ dũng cảm để theo đuổi cái “độc và lạ” đó, bất chấp mọi lời gièm pha, ngờ vực không? Và sự dũng cảm đó có được kiên trì, bền bỉ giữ vững để vượt qua mọi khó khăn hay không?

Tác giả: Trung Hiếu – vietchuyennghiep.vn

Similar Posts