Thứ ba, Tháng mười 8, 2024
Bài mẫu Vietchuyennghiep.vn Dạng Văn viết

Nỗi khổ của những doanh nghiệp “phải vạ” vì bị… trùng tên

Đang hoạt động bình thường – thậm chí là phát triển tốt – doanh nghiệp bỗng dưng “phải vạ” khi có một công ty khác trùng tên, hoặc “na ná” tên gặp vấn đề. “Vạ” ở đây là thị trường và khách hàng hiểu nhầm, dẫn tới sự ảnh hưởng tiêu cực tới thương hiệu.

“Bỗng nhiên… phải vạ”

Đầu tháng 10/2022, một số thông tin bất lợi liên quan tới Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) xuất hiện, vì các vụ việc tư vấn bán trái phiếu cho doanh nghiệp khác.

Đáng nói, trong khi SCB giải quyết vấn đề của họ, thì một ngân hàng không hề liên quan là… Sacombank (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, mã cổ phiếu STB) “bỗng nhiên phải vạ”.

Nguyên do là một số khách hàng đã nhầm lẫn Sacombank với SCB.

Để làm rõ, Sacombank đã phải đăng thông tin khẳng định, họ và SCB là hai ngân hàng khác nhau!

Ngay sau đó, báo chí cũng đăng bài giúp mọi người phân biệt SCB với Sacombank, SaigonBank (SGB), SHB…

Khi sự việc trên tạm thời “lặng sóng”, thì đến tháng 5/2023, lại một vụ việc “bỗng nhiên phải vạ” khác xuất hiện, khiến doanh nghiệp chân chính bị ảnh hưởng đáng kể.

Đó là lúc báo chí đăng thông tin Bộ Công Thương thanh tra Vinalink Group (Công ty CP Tập đoàn liên kết VN) và 5 công ty đa cấp khác, với những cáo buộc sai phạm hoạt động.

Đáng nói, tại Việt Nam, có một công ty khác sở hữu thương hiệu Vinalink từ năm 1998, là “Vinalink Media” (Công ty cung cấp các khóa đào tạo và dịch vụ Digital Marketing cho doanh nghiệp).

“Chúng tôi rất bất ngờ, bởi bỗng dưng, có rất nhiều khách hàng, học viên và người quen liên lạc, hỏi chuyện thực hư ‘Vinalink bị thanh tra’. Vinalink Media đã hoạt động liên tục từ năm 1998, và là thương hiệu được khẳng định trên thị trường Digital Marketing tại Việt Nam. Từ một công ty chưa có điều tiếng gì, chúng tôi lại phải giải thích rằng, ‘kia là Vinalink… khác’”, ông Tuấn Hà – Tổng Giám đốc Vinalink Media – bày tỏ.

Đáng nói hơn, theo ông Tuấn Hà, công ty Vinalink “đa cấp” từng có cách viết khác một chút (“VinaLink” hay “Vina link”), nhưng về sau, “không hiểu sao họ lại viết tên giống hệt chúng tôi”.

Trước đó, chính Vinalink Media đã phải đứng ra “cảnh báo” một doanh nghiệp khác mới hoạt động, nhưng cũng lấy tên giống hệt Vinalink, và còn “chạy quảng cáo thương hiệu” trong lĩnh vực Marketing.

Cần cơ chế nghiêm khắc, cùng sự phòng vệ chủ động

Có thể nói, những sự việc “không may bị hiểu lầm”, hay thậm chí là “cố ý gây hiểu nhầm” kể trên đã khiến cho các doanh nghiệp không liên quan rơi vào tình huống “dở khóc, dở cười”, ảnh hưởng tới thương hiệu mà họ dày công xây dựng.

Luật sư Nguyễn Thế Truyền – Văn phòng Luật sư Thiên Thanh, chuyên về Luật Doanh nghiệp – phân tích: “Nếu xét trên góc độ pháp lý, thì những quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ. Trong đó, tên tiếng Việt hay tên viết tắt của doanh nghiệp thành lập sau không được phép trùng với doanh nghiệp khác trước đó”.

“Như tình huống của Vinalink Media, công ty này đã thành lập từ năm 1998. Vậy, các công ty khác lập sau thì không thể đăng ký hay dùng cách diễn đạt tên thương hiệu giống như vậy”.

Theo Luật sư Truyền, bản thân doanh nghiệp cũng cần xây dựng một cơ chế bảo vệ hiệu quả cho thương hiệu của mình, thông qua hoạt động “looking” (tìm kiếm) vi phạm, để từ đó làm cơ sở thực hiện quyền phản đối, quyền khiếu nại, quyền thực thi để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, tránh xa những rủi ro như các trường hợp trên.

“Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm qua các kênh khác nhau, hoặc thuê những đơn vị tư vấn chuyên nghiệp về luật doanh nghiệp để làm. Khi phát hiện sai phạm thì lập vi bằng, tiến hành khiếu nại. Đó là câu chuyện định kỳ để bảo vệ chính mình, chứ không chỉ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ hay tác giả xong… bỏ đó”, Luật sư Truyền nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Lê Ánh – chuyên gia thương hiệu – chia sẻ thêm: “Ngoài việc trông đợi vào cơ chế pháp lý, thì hơn lúc nào hết, mỗi doanh nghiệp cần ý thức xây dựng, bồi đắp và phát triển thương hiệu của mình – đặc biệt trong bối cảnh thị trường 4.0 đang ngày càng ‘phình’ to về thông tin, nội dung”.

“Doanh nghiệp cần phòng vệ chủ động bằng việc xây dựng thương hiệu với những đặc trưng riêng, các dấu hiệu nhận biết nổi bật, cũng như thường xuyên cập nhật các kênh truyền thông (owned-media, paid-media, earned-media…) để giữ vững hình ảnh thương hiệu trong tâm trí khách hàng và xã hội”.

Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn AGENCY

Similar Posts