Vietchuyennghiep.vn – “Muốn làm phẫu thuật thẩm mỹ thì nên chọn dịch vụ ở Việt Nam hay nước ngoài?”. Nếu câu hỏi này được đặt ra khoảng 10 năm trước, sẽ không ai phản đối đáp án “nước ngoài”. Nhưng đến giờ, mọi thứ đã thay đổi tới chóng mặt, khi các bác sĩ PTTM Việt Nam sở hữu tay nghề tinh xảo, với khả năng “sáng tạo nghệ thuật” như… nghệ sĩ!
Khoảng 10 năm trở lại đây, thị trường phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) tại Việt Nam trở nên sôi động. Hàng loạt loại hình phẫu thuật từ đơn giản tới phức tạp đã được thực hiện thành công, với chi phí hợp lý, như: Nâng mũi, nâng ngực, cắt mí, cấy mỡ, tạo hình môi, độn cằm…
Điều thú vị là thay vì nghĩ tới các “cường quốc PTTM” như Hàn Quốc, Thái Lan, nhiều người đã lựa chọn dịch vụ tại Việt Nam, với những bác sĩ đạt trình độ tay nghề tinh xảo, trong khi chi phí lại hợp lý đáng kể.
Điều gì đã mang tới bước ngoặt thay đổi như vậy? Người viết đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và thú vị với thạc sĩ, bác sĩ Tống Hải – chuyên gia PTTM có 15 năm kinh nghiệm.
Hiện, bác sĩ Tống Hải là giảng viên bộ môn “Tạo hình – PTTM” của Học viện Quân Y, đồng thời, anh cũng là bác sĩ tại Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ của Viện Bỏng Quốc gia.
Trước đây, có ý kiến cho rằng, Việt Nam không có nơi đào tạo chuyên biệt, chuyên sâu về ngành PTTM. Do vậy, chỉ ở nước ngoài thì mới có bác sĩ PTTM “xịn”, nên những ai có điều kiện thì sẽ ra nước ngoài phẫu thuật. Anh nghĩ sao về điều này?
Bác sĩ Tống Hải: (Cười). Đúng như câu hỏi của anh, đó là ý kiến “trước đây” mà thôi. Cho tới giờ, Việt Nam đã có nhiều nơi đào tạo chuyên ngành phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ, với trình độ chuyên sâu.
Có thể kể đến như Đại học Y Hà Nội, Học viện Quân Y, Đại học Y Dược TP.HCM, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch…
Xét về mặt “thực chiến”, Việt Nam đã có những bác sĩ PTTM sở hữu tay nghề tinh xảo, thực hiện được những kỹ thuật khó, áp dụng các kỹ thuật tiến bộ nhất của ngành.
Tôi cho rằng, quan điểm “sính ngoại” trong lĩnh vực PTTM không còn phổ biến nữa.
Có một điều khá thú vị là: Chính một số bác sĩ PTTM trước đây cũng góp phần tô vẽ cho quan điểm “sính ngoại” này. Họ ra nước ngoài học các kỹ thuật, sau đó về Việt Nam và sử dụng mô-típ truyền thông “đi học từ nước ngoài về”.
Bây giờ, người tiêu dùng ngày càng thông minh, trong khi thế giới cũng “phẳng” hơn, thông tin đa chiều, đa dạng, nên tôi nghĩ mô-típ nói trên không có gì nổi bật nữa.
Khi đánh giá một cách khách quan, theo anh, ưu điểm và nhược điểm của bác sĩ PTTM Việt Nam so với quốc tế là gì?
– Tôi thấy bác sĩ PTTM Việt Nam có nhiều ưu điểm.
Có thể kể đến như, người Việt vốn nổi tiếng với khả năng học hỏi nhanh nhạy, lại khéo tay. Đó là những tố chất rất thuận lợi để bác sĩ PTTM Việt Nam phát triển kỹ năng của mình.
Bên cạnh đó, khó ai hiểu rõ đặc điểm cơ thể của người Việt bằng bác sĩ Việt Nam. Những hiểu biết về da, về thói quen sinh hoạt, thậm chí về đặc điểm văn hóa… là sự thuận lợi đáng kể.
Tôi biết có những trường hợp ra nước ngoài thực hiện PTTM, song không được như ý, không được hỗ trợ, bảo hành đầy đủ. Sau đó, khách hàng lại phải quay về Việt Nam và sửa sai ở cơ sở PTTM trong nước.
Ngoài ra, một ưu điểm nữa là hiện, Việt Nam đang có nhiều bác sĩ PTTM ở độ tuổi “vàng”, “chín” của nghề. Đó là khoảng tuổi từ 32 đến 50.
Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Nhược điểm của giới bác sĩ PTTM nước ta là vẫn đang tồn tại một bộ phận nhân lực chưa thực sự chuyên sâu, thiếu khả năng kiểm soát biến chứng khi thực hiện phẫu thuật.
Bên cạnh đó, một số cơ sở PTTM chưa đảm bảo tiêu chuẩn y tế, mà tôi hay nói là “chuẩn y khoa”, như các khâu sát trùng vô khuẩn dụng cụ, phòng phẫu thuật…
Theo anh, khi thực hiện PTTM bất kỳ, thì những tiêu chí gì là phải có, để nhận diện rằng, đó là dịch vụ PTTM chất lượng?
– Một câu hỏi rất thú vị!
Đây chính là điều mà bản thân một người làm nghề, đam mê nghề như tôi luôn đau đáu, mong muốn thị trường hiểu sâu sắc và thực chất.
Theo tôi, tiêu chí của một dịch vụ PTTM chất lượng gồm có:
Thương hiệu uy tín, hoạt động lâu năm. Đó không chỉ đơn thuần là một dịch vụ “được cấp phép”, mà dịch vụ đó còn phải chứng minh được tình yêu chân chính với nghề, qua sự bám trụ bền bỉ, được thị trường ghi nhận, với những “case” (ca phẫu thuật) thành công.
Thứ đến, là khâu nhân lực. Các bác sĩ thực hiện PTTM cần có trình độ chuyên môn tốt, am hiểu toàn diện về ngành.
Cuối cùng là tiêu chí về vật liệu sử dụng (túi ngực,…), cũng như cơ sở PTTM phải đảm bảo chất lượng – như tôi nói là “chất lượng chuẩn y khoa”.
Tôi thấy anh rất tâm đắc với khái niệm “Phẫu thuật thẩm mỹ chuẩn y khoa”. Điều đó nghĩa là gì?
– Vâng, là một người được đào tạo bài bản trong ngành y, phát triển mọi thứ trên nền kiến thức y học bài bản, tôi đặc biệt quan tâm tới vấn đề “chuẩn y khoa”.
Nghĩa là làm bất kỳ điều gì – ở đây là “phẫu thuật thẩm mỹ” – thì cũng phải đặt nó trong hệ quy chiếu y khoa, để đảm bảo an toàn, chuẩn mực.
Đối với tôi, “PTTM chuẩn y khoa” là cơ sở cung cấp dịch vụ phải xây dựng được quy trình tư vấn, phẫu thuật và thăm khám chặt chẽ, đầy đủ cả trước – trong – sau phẫu thuật.
Nói kỹ hơn, thì đó là quy trình tư vấn rõ ràng, chân thực, hữu ích cho người có nhu cầu PTTM. Sau đó, quy trình phải đảm bảo các yếu tố chuẩn mực trong phẫu thuật (tay nghề của bác sĩ; các bước sát khuẩn, vô trùng thiết bị; vật liệu PTTM chất lượng và đã được thẩm định).
Cuối cùng, quy trình còn phải xây dựng bước chăm sóc khách hàng để theo sát, hỗ trợ người đã hoàn thành việc PTTM.
Tổng thể quy trình đó chính là “PTTM chuẩn y khoa”.
Trong sự nghiệp 15 năm cầm dao, kéo của mình, điều gì khiến anh tự hào nhất? Điều gì làm cho anh hối tiếc, áy náy nhất?
Như đã chia sẻ ở trên, điều khiến tôi tự hào nhất là đã xây dựng được quy trình PTTM chuẩn y khoa để mang tới lợi ích cho những người có nhu cầu phẫu thuật, khi họ dùng dịch vụ tại Việt Nam.
Quy trình đó xóa nhòa được khoảng cách giữa “dịch vụ nội” với “dịch vụ ngoại”, góp phần thay đổi tâm lý “sính ngoại” thiếu căn cứ của nhiều người.
Ở góc độ cá nhân, tôi tự hào ở việc bản thân khổ luyện thành công đôi bàn tay, để đạt độ dẻo và tinh xảo. Từ đó, tôi có thể áp dụng các kiến thức tiên tiến nhất trong ngành PTTM, để thực hiện thành công các ca phẫu thuật khó.
Những kinh nghiệm trong quá trình khổ luyện này đã được tôi chia sẻ với các học viên, khi tôi giảng dạy tại Học viện Quân Y.
Còn về điều hối tiếc, áy náy nhất, thì đó là tôi vẫn luôn nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”. Bởi thế, trước đây, tôi và các đồng nghiệp chưa tập trung vào việc truyền thông về ngành, dẫn tới thị trường vẫn đang tồn tại những khái niệm, ý hiểu sai về PTTM.
Chúng tôi đang cùng chung tay thay đổi điều này, để chia sẻ kiến thức hữu ích cho thị trường.
Anh vừa nói về việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm tại nơi đào tạo (Học viện Quân Y). Thử tưởng tượng rằng, anh sắp có lần đầu tiên bước chân vào lớp. Vậy thì anh sẽ nói điều gì tâm đắc nhất, súc tích nhất về nghề, để gửi gắm đến các bạn trẻ là các bác sĩ PTTM tương lai?
– Ồ, quả là một câu hỏi thú vị!
Tôi nghĩ rằng, mình thật may mắn khi chọn đúng ngành mà bản thân rất yêu thích, đam mê. Bởi thế, xin cho tôi gửi gắm 2 điều, chứ 1 điều thì có lẽ… chưa đủ (cười).
Đó là để làm tốt công việc PTTM, các bác sĩ cần hiểu rằng, đó không chỉ là một phẫu thuật y khoa, mà thực sự là công việc “sáng tạo nghệ thuật”. Chừng nào bản thân phát triển lên tầm mức sáng tạo của “nghệ sĩ”, chừng đó, bác sĩ PTTM sẽ tự tin thực hiện mọi kỹ thuật khó nhất, mang lại vẻ đẹp ưng ý.
Điều thứ hai mà tôi muốn gửi gắm là: PTTM là phẫu thuật, nghĩa là trước khi làm bất kỳ điều gì, bác sĩ cũng phải học – hiểu – thực hành thành thạo để đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra biến chứng cho người làm PTTM.
Một khi thấu hiểu 2 điều đó, PTTM chẳng có gì là khó khăn, áp lực hay cám dỗ như người ta vẫn nói. Khi ấy, PTTM như một cuộc sáng tạo nghệ thuật của người bác sĩ – nghệ sĩ, những người chỉ quan tâm tới việc tạo ra cái đẹp hoàn mỹ nhất mà thôi.
Xin cảm ơn bác sĩ Tống Hải đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn rất thú vị này!
Tác giả: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn