Hôm qua, mình đọc được một tin đăng tuyển “Em cần một bạn giáo viên hoặc sinh viên kèm cặp bạn lớp hai, mỗi ngày hai tiếng, lương HAI CHỤC NGHÌN MỘT GIỜ”. Không ngờ bây giờ, lương gia sư của một giáo viên cấp 1 còn thua cả lương của một sinh viên chạy bàn.
Liên tiếp 4 lần giãn cách, trong những ngành nghề tổn thất nặng nề nhất, te tua nhất, chẳng ai ngờ lại có mục giáo viên ở đó. Vật giá leo thang, tiền lương đi xuống.
Một giờ đồng hồ giảng dạy, còn không mua nổi một chục trứng gà!
Người đăng bài cũng chỉ có ý muốn tốt, họ chọn nhóm “Hà Nội giúp nhau mùa dịch” để đăng. Nhưng đọc mức giá xong, không phải giáo viên mà mình còn thấy chạnh lòng. Thế mà trong rất nhiều bình luận phản đối, phản ứng dữ dội, vẫn có một số những bình luận chấp nhận.
Sự khó khăn của cơm áo, gạo tiền khiến chất xám trở nên rẻ mạt. Trường học không được mở, học sinh không thể học online. Nhưng tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền ăn đến ngày vẫn phải thanh toán.
Những điều ấy có lẽ đã khiến cho người “thầy”, người “cô” buộc phải lựa chọn giữa việc có còn hơn không. Chờ đợi không đáng sợ, cái đáng sợ là không biết mình còn phải chờ đến bao giờ!
Nhưng quả thật, mình nghĩ, bạn trông mong gì vào sự tiến bộ của con mình, khi trả một mức lương như vậy. Cách đây 10 năm, lương sinh viên gia sư, trình độ trung bình, thì cũng đã một trăm nghìn đồng mỗi giờ rồi.
Nếu bạn nói, mùa dịch, gia đình cũng chỉ có chút ít gọi là cảm ơn, thầy nào giúp được thì kèm cặp cho con… Nghe vậy, nó đã chẳng nghịch lý như thế…
Dạy một đứa trẻ lớp 2, vốn chẳng đơn giản chỉ để biết ê a vài câu chữ. Còn là rèn, là luyện, là uốn nắn cho cái cây con mọc thẳng. Nếu nó dễ dàng, đã chẳng có cảnh, bố mẹ dạy con học mà phải buộc tay mình lại, đề phòng giận quá mất khôn.
“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” – Câu nói ấy, có lẽ chưa bao giờ là cũ, dù trong cảnh dịch bệnh khó khăn này, phải không ạ?
Cre: Trương Hoàng Minh Ngọc
(Bày tỏ quan điểm về sự việc gây tranh cãi/thu hút)