Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
Storytelling theo chuyên đề Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội (HPC)

Là giảng viên, làm sao để sinh viên yêu mến mình?

Đó là câu hỏi khá tình cờ được đặt ra, khi nhóm giảng viên chúng tôi ngồi uống cà phê với nhau. Nhóm gồm cả những giảng viên dạy ở các trường đại học, cao đẳng, cả những giảng viên đào tạo kỹ năng ở các trung tâm dành cho người đi làm.

Cá nhân tôi hơi đặc biệt, khi trải qua cả 2 vai trò kể trên (từng dạy đại học, cao đẳng và cũng dạy kỹ năng ở trung tâm).

Trước câu hỏi “Làm sao để sinh viên yêu mến mình?”, mỗi người đưa ra một ý kiến. Nào là tăng tính thực chiến lên, để sinh viên cảm thấy tính thực tế, nào là gần gũi chuyện trò, sẻ chia hơn, nào là… giảm bài tập đi, cho sinh viên còn có thời gian đi chơi…

Mỗi người một ý! Thậm chí, có giảng viên còn nêu ý tưởng “chấm nơi nới điểm ra” là… “yêu mến ngay chứ có gì đâu!”.

Tôi thì không nghĩ như thế!
Với tôi, để sinh viên yêu mến mình, thì khi đi dạy, giảng viên cần… coi sinh viên như là khách hàng! Mà đúng vậy, sinh viên chính là “khách hàng” của mình. Chỉ cần hiểu như thế, nghĩ như thế, mọi thứ sẽ rất dễ dàng để sinh viên yêu mến.

Vừa nghe quan điểm đó của tôi, một vài giảng viên giật mình, ngước lên nhìn chằm chặp, ý là… thấy lạ. Nhưng không ai phản đối. Rồi họ uống một ngụm nước, trầm ngâm. Có người đồng tình ngay tại đó. Có người về nhà, vài ngày sau nhắn tin đồng tình.

* * * * *

Coi sinh viên là khách hàng, không có nghĩa là giảng viên phải hạ mình xuống.
Điều đó càng không có nghĩa là giảng viên phải “sợ”, phải “chiều chuộng” sinh viên.

Thay vào đó, việc coi sinh viên là khách hàng sẽ làm cho mỗi giảng viên ý thức hơn trong việc xây dựng bài giảng chất lượng, cũng như ý thức hơn trong thái độ, trách nhiệm của mình với lớp, với sinh viên.

Nghe tưởng như đơn giản, nhưng thực tế, có không ít giảng viên không đáp ứng điều đó, với lý do khó tin: Chi phí giảng dạy “không bõ”!
Nếu mà “không bõ” thì hãy đi làm việc khác mà bản thân cảm thấy đảm bảo chất lượng và trách nhiệm, chứ còn cố làm công việc “không bõ” để làm gì?

Khi giảng dạy trên thị trường, chúng tôi thấu hiểu triết lý “Coi sinh viên là khách hàng”. Bởi ở đó, chính các học viên/sinh viên có quyền đánh giá ngược lại đối với từng giảng viên.

Họ không cần giảng viên phải “sợ”, phải “chiều chuộng” họ. Thứ họ cần là kiến thức được truyền tải logic, dễ hiểu, hấp dẫn, và quá trình thực hành được giảng viên song hành hỗ trợ.

Vậy là đủ! Và muốn “đủ”, giảng viên phải thực sự “coi sinh viên là khách hàng”!

Nhìn vào bản chất thị trường giáo dục và đào tạo, thì người học là “khách hàng” hoàn toàn chính xác. Họ bỏ ra chi phí để “mua” kiến thức, trải nghiệm, họ có quyền đòi hỏi được nhận “món hàng” tương xứng.

* * * * *

Khi đi giảng, tôi chưa bao giờ tự coi mình là thầy.
Tôi thường xưng “mình” hoặc “tôi”. Là bởi tôi nghĩ, một khi được gọi là “thầy”, thì đấy không chỉ là vị trí của một người truyền đạt kiến thức, mà nó còn đi kèm sắc thái yêu mến, kính trọng.

Bản thân mình không thể ép người khác phải yêu mến, kính trọng mình được. Đó là thứ cảm xúc và thái độ tự nhiên của con người.

Thành ra, mỗi khi được một sinh viên hay học viên nào đó gọi là “thầy”, tôi lại tự thấy bản thân cần nỗ lực giữ gìn giá trị chân thành và thiêng liêng đó. Mà muốn giữ, khó lắm, tôi phải luôn tâm niệm: Hãy coi sinh viên là khách hàng!

Cre: Trung Hiếu – Vietchuyennghiep.vn ACADEMY

>> Về trang Mục lục – Storytelling theo chuyên đề & thương hiệu <<

Similar Posts