“Làm mưa, làm gió” trong ngành digital marketing Việt Nam suốt nhiều năm qua, giải pháp “Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm” (SEO) vẫn luôn là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp và cá nhân quan tâm. Tuy nhiên, trong bối cảnh năm 2022, khi Google liên tục tung ra các bản cập nhật thuật toán mới, người tiêu dùng ngày càng thông minh, cẩn trọng, cùng hàng loạt phương pháp marketing ưu việt mới ra đời, SEO đã phải đứng trước câu hỏi hoài nghi về tính hữu dụng.
Nên hiểu thế nào cho đúng trong hoàn cảnh đó?
Thị trường SEO năm 2022 có còn là “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp?
2021 là một năm đầy “thăng trầm” với ngành digital marketing nói chung và SEO nói riêng, khi Google liên tiếp tung ra 2 bản cập nhật thuật toán đáng kể (Google Core Update June/July 2021 và Google November 2021 Core Update). Theo đó, thứ hạng từ khoá của các website cũng biến động rất mạnh.
Vừa trải qua một cuộc chuyển đổi cơ bản trong năm 2021, bước sang năm 2022, ngành SEO lại tiếp tục “dậy sóng” với những bản “update” công cụ tìm kiếm mới.
Anh Trần Đặng Thắng – chủ một doanh nghiệp về thiết bị máy tính tại Hà Nội – cho biết: “Trước đây, tôi cứ nghĩ chỉ cần SEO lên được top là kết quả đó sẽ duy trì lâu bền. Nhưng sau lần cập nhập mới đây nhất của Google, tôi mới phát hoảng vì trang web của mình bị tụt hạng rất thê thảm”.
Không riêng gì anh Thắng, nhiều chủ doanh nghiệp phụ thuộc vào SEO khác cũng đang “đau đầu” bởi tình trạng tương tự.
Bên cạnh những thay đổi về mặt công nghệ, thời gian cũng là trở ngại khiến không ít doanh nghiệp kém “mặn mà” với SEO. Kênh SEO bản chất là một kênh đầu tư dài hạn, để triển khai thành công thì có thể cần 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, thậm chí trên 1 năm. Đặc biệt, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), năng lực tài chính có hạn, việc “đổ” tiền vào SEO trong khoảng thời gian dài trở nên mạo hiểm và kém khả thi.
Mặt khác, cuộc chạy đua lên top Google chưa bao giờ hết “khốc liệt”. Hiện tại, ở Việt Nam, lượng doanh nghiệp lớn, nhỏ đầu tư vào SEO đã lên tới con số hàng nghìn. Vì vậy, tính chất cạnh tranh trên môi trường này là rất lớn. Chưa kể, việc đánh bại các “ông lớn” với nguồn lực làm SEO hùng hậu để giành được một thứ hạng website tốt trên Google cũng là một bài toán vô cùng hóc búa với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Tuy nhiên, những khó khăn kể trên không phải là yếu tố duy nhất khiến nhiều doanh nghiệp làm SEO “lao đao”. Chính các sai lầm trong quá trình thực hiện tối ưu hóa công cụ tìm kiếm mới là lý do “chí mạng” gây nên những thất bại trong lĩnh vực này.
Biết SEO là kênh marketing “lợi hại”, nhưng chưa thật sự hiểu sâu về nó, chị Đoàn Thu (chủ một công ty thiết kế nội thất ở Hà Nội) quyết định chi ra cả trăm triệu đồng để thuê một đơn vị đưa website của công ty mình lên top Google.
Ba tháng trôi qua, một số kết quả SEO như cam kết đã xuất hiện, nhưng tình hình kinh doanh không hề có sự biến chuyển gì. Thậm chí, sau đó, sự tích cực ban đầu biến mất, khi trang web rớt hạng “thê thảm”.
Cho tới khi chị Thu nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia tại Vinalink, thì sự thật mới khiến nữ chủ doanh nghiệp “tá hỏa”.
Theo đó, để đưa website lên top thật nhanh, đơn vị làm SEO cho chị Thu đã sử dụng những thủ thuật vi phạm nguyên tắc của Google, cũng như xây hệ nội dung rất kém chất lượng.
Bởi thế, dù lúc có view (lượt xem) nhiều, các thông số khác như thời gian trên trang (time on site), tỉ lệ thoát (bounce rate) đều rất tiêu cực.
Sau thời gian đầu “chơi chiêu”, website của công ty chị Thu bị phát hiện và chịu án phạt nặng.
Anh Tiến Hà – chuyên gia đào tạo và triển khai dịch vụ SEO của Vinalink Academy – phân tích các tình huống đã nêu: “Có 3 sai lầm phổ biến mà những người làm SEO hoặc có nhu cầu khai thác SEO gặp phải. Thứ nhất là thiếu kiến thức về SEO, dẫn đến làm SEO tự phát, không có kế hoạch cụ thể, rõ ràng, không theo đúng quy chuẩn, nguyên tắc của Google hoặc lệ thuộc vào các đơn vị thuê ngoài”.
“Thứ hai là quan điểm đổ tiền mù quáng chỉ để đưa website lên top mà không cân nhắc giữa được và mất. Thứ ba là sự nôn nóng, vội vàng, hiểu lầm SEO có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng sau 1, 2 tháng như việc chạy quảng cáo”.
Mặc dù vậy, anh Tiến Hà khẳng định rằng, SEO vẫn là một kênh marketing hiệu quả và không lỗi thời.
“Google Search trở thành một công cụ quen thuộc của người dùng Việt Nam khi tổng số lượng tìm kiếm trên Google tăng 37% trong năm 2021 so với trước đại dịch. Con số ‘biết nói’ này chứng tỏ, nhu cầu sử dụng Search Engine của người dùng là không bao giờ hết và tiềm năng của ngành SEO cũng chưa bao giờ cạn kiệt”, chuyên gia đào tạo giải pháp SEO của Vinalink Academy khẳng định.
“SEO 2022 cần đi liền với khả năng chuyển đổi!”
Đối mặt với những khó khăn, thách thức của năm 2022, các doanh nghiệp đầu tư vào SEO cần góc nhìn thực tế hơn về hiệu quả công việc, thể hiện qua tỷ lệ chuyển đổi tích cực.
“2022, làm SEO hiệu quả là phải ra được sự chuyển đổi, nghĩa là chuyển hóa lợi thế SEO thành hiệu quả doanh thu, lợi nhuận”, anh Tiến Hà cho biết.
Cụ thể, “chuyển đổi” ở đây được hiểu là các hành động mà người dùng thực hiện khi ghé thăm website, bao gồm: Cuộc gọi, trò chuyện thông qua live chat, đặt hàng,…
Để tối ưu hoá tỷ lệ chuyển đổi, vị chuyên gia đào tạo của Vinalink Academy khuyên các doanh nghiệp khi làm SEO cần lưu ý 3 điều dưới đây:
Đầu tiên là đo lường cẩn trọng các lượt chuyển đổi và có kế hoạch triển khai SEO bám sát kế hoạch Marketing. Bởi lẽ, câu chuyện làm SEO luôn tích hợp trong “bức tranh” Marketing tổng thể của một doanh nghiệp.
Thông thường, khi tìm đến SEO, doanh nghiệp luôn mong muốn tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, từ đó bán được nhiều sản phẩm hơn.
Để không “lệch nhịp” và đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu marketing tổng thể đã đặt ra, doanh nghiệp cần thường xuyên tiến hành thống kê, đo lường số lượt chuyển đổi từ kênh SEO.
Việc này cũng giúp doanh nghiệp kịp thời phát hiện các vấn đề tồn đọng khi làm SEO và nhanh chóng tìm cách điều chỉnh theo hướng tối ưu.
Điều thứ hai, doanh nghiệp làm SEO cần tính toán kỹ lợi nhuận.
“Chúng ta có công thức: Lợi nhuận = Doanh thu – Chi phí. Không ít trường hợp, dù kênh SEO mang lại tỷ lệ chuyển đổi cao, doanh thu lớn, nhưng tình trạng thua lỗ vẫn xuất hiện do chi phí đầu tư quá lớn. Chính vì vậy, doanh nghiệp nên lưu ý việc cân đối ngân sách sao cho hợp lý, mang lại hiệu quả tối đa, tránh tình trạng lỗ hoặc hoà vốn”, anh Tiến Hà cảnh báo.
Điều cuối cùng, muốn làm SEO hiệu quả, doanh nghiệp cần tìm cách phá bỏ các rào cản chuyển đổi.
Theo số liệu Google cung cấp, có khoảng 53% người tiêu dùng sẽ nghiên cứu sản phẩm bằng công cụ tìm kiếm trước khi quyết định mua hay không. Điều này chứng tỏ, nếu website đứng top càng cao, cơ hội được khách hàng tiềm năng ghé thăm càng lớn.
Tuy nhiên, tới đây, có 2 vấn đề – cũng là 2 rào cản chuyển đổi lớn nhất – cần giải quyết:
Thứ nhất là làm thế nào để SEO lên top một cách an toàn, khôn khoan, tối ưu chi phí.
Thứ hai, khi người dùng truy cập vào website, có cách gì giúp giữ chân và thôi thúc họ tương tác ở đó hay không?
Thực chất, để website lên được top và duy trì thứ hạng tốt lâu dài, doanh nghiệp cần nắm vững các kiến thức phục vụ việc làm SEO như: Quy tắc của các Search Engine, kỹ thuật tối ưu SEO cho website, cách sáng tạo nội dung chuẩn SEO,…
Anh Tiến Hà phân tích thêm: “Về phía khách hàng, họ ngày càng thông minh, kỹ tính và có nhiều sự lựa chọn hơn. Khi tra cứu một thông tin trên Google, họ thường tham khảo nhiều website khác nhau. Vậy nên, nếu muốn thuyết phục họ ở lại, trang web của bạn cần đảm bảo 3 yếu tố: Giá hợp lý, uy tín thương hiệu và tạo trải nghiệm tốt cho người dùng”.
Trong đó, việc tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng là yếu tố quan trọng hàng đầu và nó cũng phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng các nội dung có trong website.
“Không nên mạo hiểm đầu tư vào SEO, khi bản thân hoặc tổ chức đang thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu nhân lực và thiếu kế hoạch trong dài hạn”, anh Tiến Hà cảnh báo thêm.
“Chiến đấu” với không ít khó khăn và thách thức trong năm 2022, các doanh nghiệp làm SEO muốn tồn tại và lớn mạnh cần nhanh chóng thích nghi với bối cảnh, khắc phục sai lầm và không ngừng học hỏi. Với mục tiêu cuối cùng là mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, “chân ái” làm SEO chỉ có thể là “tạo ra chuyển đổi”.
Tuyết Mai – Vietchuyennghiep.vn