Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
Bài mẫu Vietchuyennghiep.vn Content chính luận

Hướng dẫn trả lời phỏng vấn PR số 1

I. Hoàn cảnh:

TMT Motors là một nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Công ty này đã tập trung vào việc liên kết đối tác nước ngoài để sản xuất, lắp ráp ô tô tải với giá ưu đãi (hấp dẫn) cho thị trường.

Sau đó, TMT Motors kỳ vọng vào bước đột phá, khi họ bắt tay với đối tác GM – (SAIC – WULING) (liên doanh của hãng GM bên Mỹ với 2 hãng SAIC, WULING của Trung Quốc). Cụ thể, GM – (SAIC – WULING) cấp phép cho TMT Motors sản xuất, lắp ráp chiếc ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới HongGuang MiniEV tại Việt Nam.

Thông tin nói trên khiến thị trường xôn xao, vì nhiều lẽ:

* Thị trường ô tô điện của Việt Nam đang ở thế “độc quyền” do VinFast nắm giữ. Việc một nhà sản xuất nhập cuộc đua sẽ khiến thị trường nóng bỏng và thú vị hơn.

* Chiếc xe HongGuang MiniEV có giá rẻ – thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của thị trường ô tô Việt Nam. Điều này được cho là sẽ chạm vào tiềm thức của nhiều người Việt Nam, bởi không ít người mong muốn sở hữu ô tô nhưng mức giá quá cao (do các loại thuế, phí) khiến họ chùn bước.

Sản phẩm HongGuang MiniEV được cho là sẽ giúp “giải cơn khát” nói trên.

Cũng vì thông tin khiến thị trường – dư luận xôn xao, báo chí đã tập trung khai thác TMT Motors nhằm lấy thêm những thông tin mới, để đăng tải/bình luận/dự đoán…

Trong bối cảnh đó, người làm PR cho doanh nghiệp luôn ở tâm thế sẵn sàng trả lời những câu hỏi từ phía báo giới/truyền thông. Trong đó, sẽ có không ít câu hỏi khó, ẩn ý, thậm chí “tấn công”…

Nếu thiếu sự khéo léo, nhất quán, khôn ngoan, thì việc trả lời sẽ làm lộ “gót chân Asin” của doanh nghiệp. Bởi thế, việc hỏi – đáp PR rất cần tư duy nội dung, truyền thông chuyên nghiệp!

II. Bộ câu hỏi “gai góc” của một nhà báo:

Nhà báo đặt ra bộ câu hỏi này là người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Thậm chí, qua cách hỏi và diễn đạt, chúng ta có thể thấy sự tự tin quá mức của anh ta, thể hiện qua những lỗi chính tả “phô” trong câu hỏi (tức là anh ta quá tự tin, đến mức không buồn đọc lại câu hỏi soạn ra), cũng như qua sắc thái “tấn công” khi hỏi.

Cụ thể:

(Các câu hỏi được giữ nguyên gốc. Phần in nghiêng chính là những lỗi diễn đạt)

1. Vì sao TMT Motors quyết định tham gia vào lĩnh vực xe du lịch, cụ thể là phân khúc xe điện giá rẻ? Điều gì giúp TMT tự tin đến vậy? Xin ban lãnh cho đánh giá về thế mạnh cũng như khó khăn của quyết định này.

2. Từ trước đến nay đã có khá nhiều thương hương ô tô Trung Quốc đã có mặt, tìm hiểu thị trường Việt Nam và đều đối mặt với thách thức rất lớn khi là một thương hiệu TRUNG QUỐC. Vậy với các dòng xe của Wuling, TMT sẽ làm gì để đối mặt với thách thức này?

3. Với đặc trưng là dòng xe giá rẻ, phù hợp với nhu cầu đi lại trong khoảng cách ngắn, vậy đâu sẽ là đối tượng người tiêu dùng VIệt Nam mà TMT hướng tới?

4. Với việc tiên phong, khai mở xu hướng sử xe điện mini, tham vọng của TMT Motors “sẽ lớn” đến mức độ nào? Liệu sẽ có sự kết hợp để có những mẫu xe được sản xuất tại Việt Nam, cho người Việt Nam?

5. Liên quan đến các mẫu xe điện Trung Quốc chuẩn bị có mặt tại Việt Nam, ví dụ như BYD đang đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 250 triệu USD tại Phúc Thọ, dưới con mắt của một nhà kinh doanh nhiều kinh nghiệm trong mảng ô tô, xin công ty đánh giá thế nào về tiềm năng tại thị trường Việt Nam, đối với các thương hiệu Trung Quốc này?

III. Trả lời PR – Phân tích “Hỏi & Đáp”:

Có một “bí quyết” khi trả lời PR là… không né tránh bất kỳ câu hỏi nào, nhưng câu trả lời được đưa ra theo kiểu “không đúng, không sai”.

Tức là: An toàn, không tạo ra kẽ hở để báo chí/truyền thông khai thác.

Nếu đưa ra chi tiết nào thì cũng phải cân nhắc xem, chi tiết đó có lộ ra kẽ hở nào không. Nếu cảm thấy rủi ro, thì bỏ chi tiết và dùng lối đáp chung chung (“không đúng, không sai”) để trả lời.

Phân tích “Hỏi & Đáp” qua case cụ thể dưới đây:

1. Vì sao TMT Motors quyết định tham gia vào lĩnh vực xe du lịch, cụ thể là phân khúc xe điện giá rẻ? Điều gì giúp TMT tự tin đến vậy? Xin ban lãnh cho đánh giá về thế mạnh cũng như khó khăn của quyết định này.

Đáp:

* TMT Motors tham gia lĩnh vực xe ô tô điện, với sản phẩm tiên phong là ô tô điện mini Wuling HongGuang MiniEV, bởi chúng tôi nhận thấy năng lượng xanh là xu hướng tích cực của tương lai.

Bên cạnh đó, với mục tiêu trở thành quốc gia hiện đại hóa, công nghiệp hóa, thì việc người dân sử dụng thiết bị 2 bánh kém tiện nghi, an toàn chắc chắn là điều cần thay đổi.

Với ô tô điện mini Wuling HongGuang MiniEV, TMT Motors tự tin trở thành hãng tiên phong chuyển đổi phương tiện giao thông văn minh, bền vững tại Việt Nam, để giúp mọi người dễ dàng sở hữu ô tô thân thiện môi trường, với mức giá trong tầm tay.

* Có 4 yếu tố giúp chúng tôi tự tin:

Thứ nhất, đối tác của chúng tôi là GM – (SAIC – WULING) là liên doanh nghiên cứu, sản xuất ô tô nói chung, ô tô điện nói riêng, ở đẳng cấp hàng đầu thế giới, theo tiêu chuẩn toàn cầu của hãng GM.

Thứ hai, Wuling HongGuang MiniEV đã có 3 năm liên tiếp giữ vị trí là chiếc xe ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới. Để có thành tích này, chất lượng chính là điều kiện tiên quyết để người tiêu dùng tin tưởng.

Thứ ba, việc chuyển đổi lên phương tiện an toàn hơn (ô tô), “xanh” hơn (thân thiện môi trường) là xu hướng chung toàn cầu, mà Việt Nam là một phần không thể tách rời.

Thứ tư, tiềm lực và nền tảng của TMT Motors trong lĩnh vực chế tạo, sản xuất ô tô tại Việt Nam đã được khẳng định, qua 47 năm hoạt động liên tục.

* Nói về thế mạnh của quyết định, thì chính là từ các yếu tố giúp chúng tôi tự tin, vừa được đề cập ở trên.

Còn về khó khăn, chúng tôi cho rằng, khó khăn duy nhất chỉ nằm ở nội tại suy nghĩ của người tiêu dùng trên thị trường, khi họ vẫn quen sử dụng phương tiện hai bánh. Lúc mọi người ý thức về việc cần chuyển đổi sang phương tiện bốn bánh an toàn hơn, văn minh hơn, thì là lúc chúng tôi không còn khó khăn nào nữa.

==> Phân tích câu hỏi để có lời đáp PR hợp lý:

Câu hỏi này gồm 3 ý. Trong đó:

– Ý hỏi đầu tiên “nguy hiểm” ở chỗ nhà báo muốn áp đặt sản phẩm của công ty này thuộc phân khúc “giá rẻ” – đó là điều doanh nghiệp muốn tránh. Doanh nghiệp chỉ muốn gọi đó là “giá hấp dẫn, phù hợp số đông”.

Do vậy, phần trả lời sẽ lách tránh bằng việc không nhắc tới yếu tố “giá rẻ”. Cùng với đó, chuyên gia PR sẽ tranh thủ cơ hội hỏi về “quyết định tham gia thị trường” để nói đến tầm nhìn, sứ mệnh… của doanh nghiệp, cũng như nhấn mạnh tên sản phẩm.

Nghĩa là: Cách trả lời này “không đúng, không sai”, không quá chi tiết, lách tránh điều bị áp đặt và nhấn mạnh được yếu tố thương hiệu sản phẩm của mình.

– Ý hỏi thứ hai có vẻ khá an toàn, để doanh nghiệp có cơ hội nói về điểm tựa sức mạnh của mình.

Bởi thế, chuyên gia PR cần lập tức bám vào đó để bày tỏ các điểm mạnh, ưu thế của doanh nghiệp.

– Ý hỏi thứ ba bộc lộ sự thiếu logic, vì hỏi trùng ý thứ hai (điểm mạnh ~ điều giúp DN tự tin) – điều này tiếp tục cho thấy sự thiếu chỉn chu/sự tự tin thái quá của nhà báo. Điều nguy hiểm ở ý hỏi này chính là việc khai thác “khó khăn” của doanh nghiệp.

Nếu quá thật thà, hồn nhiên mà bộc lộ những khó khăn thật sự thì đó có thể trở thành “gót chân Asin” để họ xoáy vào.

Bởi thế, tình huống này có thể hóa giải bằng “tuyệt chiêu” trả lời “không đúng, không sai” – đưa ra một lời đáp an toàn và tròn trịa.

2. Từ trước đến nay đã có khá nhiều thương hương ô tô Trung Quốc đã có mặt, tìm hiểu thị trường Việt Nam và đều đối mặt với thách thức rất lớn khi là một thương hiệu TRUNG QUỐC. Vậy với các dòng xe của Wuling, TMT sẽ làm gì để đối mặt với thách thức này?

Đáp:

Chúng tôi cho rằng, có vài vấn đề cần làm rõ ở đây để mọi người có cái nhìn đúng đắn, khách quan hơn.

Thứ nhất, sản phẩm Wuling HongGuang MiniEV mà TMT Motors độc quyền bán tại Việt Nam là chiếc ô tô điện mini được lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và GM – (SAIC – WULING).

Xin nhấn mạnh, đó là sản phẩm liên doanh!

Đó là kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ở đẳng cấp hàng đầu thế giới, theo tiêu chuẩn toàn cầu của hãng GM.

Thứ hai, chúng tôi cho rằng, kết quả có tiếng nói quyết định. Không phải ai khác, mà chính là những người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào Wuling HongGuang MiniEV, để đưa chiếc xe này lên vị trí ô tô điện mini bán chạy nhất thế giới trong 3 năm liên tiếp (2020, 2021, 2022).

Bởi thế, chúng tôi không coi đây là thách thức. TMT Motors coi đó là cơ hội để chúng tôi mang tới giải pháp thú vị, chất lượng và hữu ích cho thị trường.

==> Phân tích câu hỏi để có lời đáp PR hợp lý:

Câu hỏi này tiếp tục hàm chứa những ý rất nguy hiểm đối với DN: Cố gắng ép DN vào việc thừa nhận đang bán xe Trung Quốc, mà xe Trung Quốc thì bị thị trường Việt đặc biệt dị ứng.

Trong khi đó, phía DN luôn muốn thị trường nhìn nhận rằng, đó không phải là xe Trung Quốc, mà là xe liên doanh giữa hãng GM của Mỹ với 2 hãng xe Trung Quốc.

Bởi thế, khi trả lời câu hỏi này, chuyên gia PR cần “mượn gió, bẻ măng”, thay vì để bị sa đà, cuốn vào câu chuyện xe Trung Quốc (nếu tìm cách biện hộ trực tiếp cho ô tô Trung Quốc trong hoàn cảnh này là điều dở to).

“Mượn gió, bẻ măng”: Nói rõ không nên coi đây là ô tô Trung Quốc, tại sao?…

Bên cạnh đó, chuyên gia PR cần lách yếu tố rất nhạy cảm và nguy hiểm là “làm gì để giải quyết tâm lý thị trường bài xe Trung Quốc”.

Để lách và tránh thì câu trả lời lại “không sai, không đúng”, không thừa nhận đó là xe Trung Quốc, không trả lời trực tiếp vào câu hỏi, mà lại nhấn mạnh ưu thế là chiếc xe bán chạy nhất thế giới 3 năm liên tiếp => Tất cả là do người tiêu dùng quyết định.

Và đòn lách quan trọng là: Không gọi đấy là thách thức, mà lại coi đó là cơ hội! Cách trả lời này vừa thể hiện sự tự tin, vừa lách khỏi khe cửa hẹp của câu hỏi khó.

3. Với đặc trưng là dòng xe giá rẻ, phù hợp với nhu cầu đi lại trong khoảng cách ngắn, vậy đâu sẽ là đối tượng người tiêu dùng VIệt Nam mà TMT hướng tới?

Đáp:

Mẫu xe Wuling HongGuang MiniEV có nhiều phiên bản khác nhau, ứng với các quãng đường có thể di chuyển khác nhau. Phiên bản mà chúng tôi lắp ráp, sản xuất và phân phối tại Việt Nam có mức giá trong tầm tay của nhiều người, nhiều gia đình.

Cùng với đó, quãng đường di chuyển của phiên bản Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam cũng không hề ngắn, phù hợp với nhu cầu đi lại hằng ngày của mọi người.

Để chọn được phiên bản Wuling HongGuang MiniEV phù hợp, TMT Motors đã dành thời gian nghiên cứu, khảo sát thị trường một cách nghiêm túc, tỉ mỉ.

Đối tượng khách hàng mà chúng tôi hướng tới là những người đang đi xe máy và muốn chuyển lên ô tô mà chưa thực hiện được vì mức giá phương tiện 4 bánh quá chênh lệch. Cùng với đó, các chị em đi làm, đón con và đi chợ hằng ngày cũng là một tệp phù hợp với sản phẩm này.

==> Phân tích câu hỏi để có lời đáp PR hợp lý:

Đây tiếp tục là câu hỏi nguy hiểm, câu hỏi áp đặt mà nếu người làm PR không tỉnh táo thì sẽ “dính bẫy”.

Đó là trong giả thuyết câu hỏi đưa ra, thì tự phía nhà báo lại áp đặt sản phẩm của DN là giá rẻ, đi được quãng đường ngắn. Đó đều là những thông tin mà phía DN không muốn bị gán vào.

Bởi vậy, chuyên gia PR cần trả lời lách tránh khôn khéo mà không gây ra sự đối đầu căng thẳng trực tiếp:

“quãng đường ngắn”? Có nhiều phiên bản, ứng với nhiều quãng đường khác nhau! Mà quãng đường xe chạy được là đã được khảo sát, nghiên cứu rồi, phù hợp nhu cầu chứ không phải làm bừa!

Đó là cách lách tránh đầu tiên.

Kế đó, “giá rẻ” thì lại nhấn mạnh như ở trên: Giá hấp dẫn, trong tầm tay của nhiều gia đình.

4. Với việc tiên phong, khai mở xu hướng sử xe điện mini, tham vọng của TMT Motors “sẽ lớn” đến mức độ nào? Liệu sẽ có sự kết hợp để có những mẫu xe được sản xuất tại Việt Nam, cho người Việt Nam?

Đáp:

Chúng tôi cho rằng, không nên giới hạn đối với giấc mơ. Bởi thế, thật khó để trả lời về giới hạn độ lớn của tham vọng – giấc mơ, với bất kỳ ai có đam mê, tham vọng, chứ không phải với riêng TMT.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng, cần phải làm rõ hơn câu hỏi này. Bởi vì dự án xe Wuling HongGuang MiniEV của TMT Motors đã được đối tác chuyển giao toàn bộ, để lắp ráp, sản xuất tại Việt Nam.

Dự án này là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ, để tìm ra phiên bản sản phẩm phù hợp nhất cho người tiêu dùng Việt Nam.

Chúng tôi không bán sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc.

==> Phân tích câu hỏi để có lời đáp PR hợp lý:

Đây là một kiểu câu hỏi “mật ngọt” tiềm ẩn đầy sự nguy hiểm và cần phải cảnh giác.

Đó là nhà báo mở đầu câu hỏi với một sự khen ngợi, nhấn mạnh vị thế của DN trên thị trường, nên dễ gây cảm giác thân thiện, tích cực. Nhưng ngay sau đó, câu hỏi về độ lớn của tham vọng lại rất “có vấn đề”!

Nếu nói về tham vọng quá lớn, thì sẽ bị quy chụp là ảo tưởng. Nếu sau này không đạt được thì nhà báo càng có thêm bằng chứng để mỉa mai, đánh đập.

Nếu nói về tham vọng một cách khiêm tốn thì có thể bị cho là thiếu tự tin, nghiệp dư…

Bởi thế, cách trả lời khôn khéo trong tình huống này là: Lách một cách khôn ngoan, cá tính, không trả lời trực tiếp và cũng khiến cho phía hỏi không thể khai thác được gì thêm!

Ý sau của câu hỏi cũng nguy hiểm ở chỗ áp đặt một thông tin sai: Ý này khiến mọi người liên tưởng là DN này chỉ bán xe nhập khẩu nguyên chiếc – lại còn là xe Trung Quốc – và không có yếu tố cá tính riêng.

Thực tế thì DN nhập khẩu các linh kiện, phụ tùng về để sản xuất, lắp ráp tại VN. Bởi thế, đây là cơ hội để “đào tạo” lại thị trường về đặc trưng này, gạt bỏ mọi thông tin sai.

5. Liên quan đến các mẫu xe điện Trung Quốc chuẩn bị có mặt tại Việt Nam, ví dụ như BYD đang đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 250 triệu USD tại Phúc Thọ, dưới con mắt của một nhà kinh doanh nhiều kinh nghiệm trong mảng ô tô, xin công ty đánh giá thế nào về tiềm năng tại thị trường Việt Nam, đối với các thương hiệu Trung Quốc này?

Đáp:

Trung Quốc là quốc gia có nền công nghệ rất phát triển, đặc biệt là công nghệ chế tạo xe ô tô điện. Sản phẩm của họ không chỉ tiêu thụ nội địa, mà còn xuất khẩu cho nhiều thị trường khó tính khác và đã được chào đón.

Việc các hãng xe Trung Quốc quan tâm thị trường Việt Nam là một tin vui, bởi khi thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi đầu tiên, từ giá bán sản phẩm cho tới chất lượng, công nghệ…

Chúng tôi không nghĩ rằng, việc đánh giá tiềm năng tại thị trường Việt Nam đối với các thương hiệu Trung Quốc là cần thiết.

Điều cần thiết đánh giá ở đây là thị trường Việt Nam đang giàu tiềm năng với tất cả hãng ô tô nói chung, với các hãng ô tô điện nói riêng. Sự cạnh tranh là công bằng và sòng phẳng.

Bên nào có sản phẩm chất lượng, giá bán hợp lý, chính sách bảo hành, chăm sóc khách hàng tốt, thì bên đó sẽ chiến thắng.

Chúng tôi ý thức sâu sắc về điều đó và vẫn đang nỗ lực từng ngày để khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường Việt Nam.

==> Phân tích câu hỏi để có lời đáp PR hợp lý:

Tương tự các câu hỏi khác, câu hỏi này tiếp tục nguy hiểm và nặng tính áp đặt. Nguy hiểm ở 2 chỗ:

– Đưa thông tin về một đối thủ tương lai trên thị trường: Nếu xử lý (trả lời) không khéo thì sẽ bị bất lợi (khen họ thì dễ há miệng mắc quai, vì họ là đối thủ; chê họ thì mang tiếng).

– Lại áp đặt sản phẩm của DN là xe Trung Quốc, rồi lại hỏi về tiềm năng của thị trường VN đối với các hãng xe TQ.

Cách trả lời khôn ngoan ở đây là vừa “không sai, không đúng”, vừa nhấn mạnh được về mình, thể hiện sắc thái, tâm thế rất tích cực và tự tin của DN.

Similar Posts