Chát…chát…chát…!
Cây đòn gánh bằng thân tre không ngừng vung lên và rơi xuống trên tấm lưng gầy guộc của bà. Dưới tấm lưng ấy đang bao bọc một chiếc rổ tre đựng vài cây rau cải mới lên mầm chờ được trồng, cùng đứa trẻ 8 tuổi. Trong đôi mắt ngơ ngác ầng ậng nước, nó chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Nó chỉ biết bà ngoại đang cố gắng bảo vệ nó, cùng đám mầm cải non chuẩn bị đi trồng nhờ nhà hàng xóm.
Từng đòn, từng đòn giáng xuống, tấm thân gầy guộc ấy dường như đã quá quen với chuyện này. Dăm ngày ba bữa, không có trận đòn roi dường như cuộc sống không quen. “Ông đã bảo mày như thế nào, tại sao dám trồng rau trên đất của ông” …chát…chát…chát. Ông ngoại nó vừa gầm gừ vừa hạ những trận đòn xuống.
Có người từng nói, ngày nào cũng bị đánh, sao bà không bỏ đi. Bà ngoại thở dài nói “tôi đi rồi bốn đứa con tôi phải làm sao”.
Có lẽ những tháng ngày không có ông, là khoảng thời gian bình yên nhất của bà. Không cho trồng rau, không cho cơm ăn, nhưng ít ra bà không bị đánh. Vào năm 1975 ấy, người ta còn ăn cơm trộn khoai ngứa, nhà ông ngoại đã ăn cơm trắng với thịt vịt. Sau này, nó đã thử ăn loại khoai đó, lưỡi ngứa ran, nó xuýt xoa không hiểu sao bà ngoại với mẹ ăn được.
Chao ôi, khi mà bị đẩy vào đường cùng rồi, chỉ cần có thể sống, con người ta cái gì mà chẳng ăn được. Người ta chỉ cần no bụng, chứ đâu còn quan tâm thứ ấy ra sao, có chất dinh dưỡng không. Lúc ấy, người ta chỉ cần sống thôi. Có lẽ, sống làm chỗ dựa cho những đứa trẻ.
Ngày mẹ còn nhỏ, nhà ông ngoại nuôi nhiều vịt lắm. Mẹ chờ khi mọi người ăn cơm, lẻn ra cửa sổ buồng ở sau nhà trộm trứng vịt. Mẹ buộc chiếc muôi vào đầu cái que, lựa lựa khe cửa luồn vào. Hớt từng quả, từng quả, tay run run, những con chữ của mẹ nó và các bác, cũng một phần là nhờ đám trứng này.
Nhưng… than ôi, đời không như là mơ. Những con người cùng cực có bao giờ gặp may đâu.
Ông ngoại bắt được mẹ nó đang trộm trứng, lại là những trận đòn roi rơi xuống. Bà ngoại không cầm được nước mắt, lao vào giật lấy cây gậy, rồi gào lên. “Ông đánh đi, đánh chết đi, ông đẻ nó ra có nuôi nó được ngày nào không? Là tôi dùng máu thịt của mình, mồ hôi nước mắt của mình để nuôi chúng nó”. Tấm lưng gầy guộc ấy hôm nay không còn còng xuống nữa mà đã đứng thẳng lên rồi.
14 tuổi năm ấy đi lấy chồng, bà giao tương lai của mình cho một người chưa hề gặp mặt. “Canh bạc” này không phải có cược hay không, mà là định kiến, là xã hội, đã đè chặt lên đôi vai gầy ấy.
Trận đòn năm ấy ám ảnh mãi trong quá khứ của đứa cháu ngoại. Có phải trước đó, mẹ cũng từng giống nó lúc ấy, mắt ngơ ngác đỏ hoe được bà bao bọc cùng những mầm cải.
Ngày ông mất đi, là những ngày bình yên của bà mới thật sự đến.
Lớn lên, nó mới hiểu rằng, trận đòn roi năm xưa không chỉ là vì vài cây rau cải non mà bà cố trồng. Đó là vì bà đã dám đứng lên đấu tranh cho những bất hạnh của mình. Bà đã chọn ở lại, không bỏ đi, vì tình yêu thương dành cho những đứa nhỏ.
Năm tháng trôi qua, mỗi khi nhớ về những ký ức đó, lòng nó vẫn thắt lại. Tuần trước, nó về thăm bà ngoại, tấm lưng vẫn gầy guộc như vậy, nhưng mái tóc đã trắng hơn xưa. Trước nhà, mầm cải xanh vẫn đang lên, được bà chăm sóc cẩn thận. Vị mầm cải này chắc chắn không “mặn chát” như “mầm cải” năm xưa.
Trời hôm nay vẫn xanh như năm đó, nhưng những “mầm cải xanh” ở nơi khác liệu có được tấm lưng gầy nào bao bọc hay không?
Cre: Phạm Nhật Lệ – Học viên 3CK119 Vinalink
(Storytelling chia sẻ góc nhìn cuộc sống)