Tôi khá thích một podcast của New York Times, tên là Modern Love. Ở đó, những người được mời tới phỏng vấn sẽ chia sẻ về hành trình yêu của mình với một đối tượng cụ thể: Có thể là cha nuôi, chồng cũ hoặc người yêu.
Điểm chung của những câu chuyện đó là đều kể về những mối quan hệ lâu năm, cùng vô vàn những thăng trầm trong cảm xúc.
Có thể là cảm giác bẽ bàng của người vợ khi phát hiện chồng cũ của mình là gay, chuyện về một người đi tu sau 3 năm thì xuất tu và đi tìm tình yêu của đời mình, hay về một người khiếm thính, sau nhiều năm mới gặp được một người sẵn sàng học thứ ngôn ngữ của họ, để cùng nhau giao tiếp hiệu quả…
Hôm trước, tôi tưởng tượng, nếu như năm 44 tuổi, mình có cơ hội xuất hiện trên podcast đó thì sao? Câu chuyện mình có thể mang tới thính giả sẽ là gì? Mình chưa từng có một mối quan hệ lâu năm với ai, nhưng nếu bây giờ mình bắt đầu, thì 20 năm tới, mình có thể truyền cảm hứng cho mọi người về tình yêu như thế nào?
Tôi tưởng tượng về việc vẫn tiếp tục ở trong mối quan hệ với người yêu hiện tại. Khi tôi 44, còn anh 40, ngồi bên nhau trong studio cho podcast của Modern Love, chúng tôi sẽ kể điều gì đây?
Có lẽ tôi sẽ nhớ nhất cuộc cãi nhau nảy lửa sau 6 tháng yêu nhau, khiến hai đứa phải chia tay. Khoảng thời gian im lặng đã khiến tôi nhận ra nhiều điều quý giá để khi quay trở về bên nhau, chúng tôi biết cả hai phải làm gì, để không còn phải xa nhau thêm một lần nào nữa.
Tôi hiểu ra, không phải cứ hơn tuổi là tôi sẽ “trưởng thành” hơn anh. Chính tôi là người đã không biết cách giao tiếp về nhu cầu được quan tâm của mình.
Thay vì nói cho anh biết mình cảm thấy ra sao khi hai đứa ít có thời gian gặp nhau, tôi lại trách anh vô tâm, khiến anh cảm thấy có lỗi và đặc biệt là mất đi cảm giác tự do, hoặc bất lực vì mình không thể làm gì hơn để đáp ứng được nhu cầu về tình cảm của tôi.
Tôi hiểu ra mình cũng cần phải có một cuộc sống riêng nhiều màu sắc hơn. Tôi cần anh, nhưng không nên bám víu cảm xúc của mình vào anh.
Tôi nên có lịch trình làm việc và nghỉ ngơi hiệu quả, cùng cả thời gian bên bạn bè và những sở thích cá nhân, để không biến anh thành nơi trút lên tất cả những cảm xúc tiêu cực đến từ công việc và cuộc sống chấp chới của một người 25 tuổi.
Tôi nhận ra có những lúc mình nên ngồi im, để cho anh chủ động làm việc của mình. Tôi không cần phải bảo anh phải làm gì, hay “cố gắng trở thành mẹ của anh”.
Đôi khi cứ vô tri và nói rằng “Em không biết”, thì cũng khiến cho người đàn ông của mình bớt thụ động hơn, và để cho tình trạng “việc gì cũng đến tay tôi” không còn lặp lại nữa.
Đó là những điều mà tôi sẽ làm đi làm lại trong 20 năm tới, cùng với may mắn từ việc anh đồng lòng cùng tôi tiếp tục hành trình này.
20 năm tới, tôi có thể tự hào chia sẻ với mọi người về chuyện tình của chúng tôi. Chúng tôi cũng thầm biết ơn lần chia tay sau 6 tháng đó, để hiểu rằng việc bên nhau lâu dài xuất phát từ việc tự nhìn nhận và làm việc với những khuyết điểm của bản thân mình.
Khắc phục những vòng lặp độc hại của chính mình trong gắn kết tình cảm, chính là một khía cạnh ít ai nhắc tới về việc yêu bản thân.
Nhưng khi ta nghiêm khắc làm việc với nó, ta vô tình đã nắm giữ chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc lâu dài – một tình yêu đích thực có thể vượt qua mọi bài kiểm tra của thời gian!
Cre: Trần Diệu My
(Bày tỏ quan điểm cuộc sống – về tình yêu)